Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, dự kiến có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023

01/08/2023 10:13

Với tốc độ như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả trong nửa cuối năm 2023 sẽ tăng trưởng khả quan, đặc biệt là vào mùa lễ hội, khi nhu cầu tăng mạnh.

Xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022

Báo Công Thương dẫn nguồn theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/7, xuất khẩu rau quả đã mang về hơn 3 tỷ USD và đến hết tháng 7, khả năng vượt qua kết quả 3,3 tỷ USD của cả năm 2022 là hoàn toàn khả thi. Dự báo, xuất khẩu rau quả có thể chạm mốc 5 - 5,3 tỷ USD trong năm 2023.

Xuất khẩu rau quả bắt đầu sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nhiều mặt hàng trái cây tiếp tục được thị trường Trung Quốc đón nhận như: thanh long, sầu riêng, mít, xoài…

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu rau quả tăng đột biến từ 2 tuần cuối tháng 5/2023 khi đạt trên 400 triệu USD; tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.

Bộ Công Thương lý giải, Trung Quốc tăng mua, trong khi Việt Nam đang vào thời vụ nhiều loại trái cây là yếu tố chính khiến xuất khẩu rau quả của Việt Nam bứt phá trong những tháng đầu năm 2023.

Với nguồn cung dồi dào, nửa cuối năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ rất khả quan nếu đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường Trung Quốc theo hướng Thực hành sản xuất tốt (GAP).

Ngoài thị trường Trung Quốc, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác cũng tăng trưởng khả quan như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, UAE, Malaysia…

Sự kiện - Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, dự kiến có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023

Chỉ tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu rau quả ước đạt 1 tỷ USD. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đây là con số kỷ lục chưa từng có trong lịch sử hơn 30 năm ngành hàng này. Ảnh minh họa.

Thời gian gần đây, xuất khẩu mặt hàng rau quả đang gặp nhiều thuận lợi khi Việt Nam đã ký các nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm 2022 giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam có nhiều thuận lợi. Mặc dù năm 2023, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng hàng rau quả của Việt Nam có chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh, nên được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng.

Từ những tín hiệu thuận lợi trên dự báo triển vọng tăng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tiếp tục sáng. Theo kế hoạch, tháng 8/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực địa đối với trái dừa tươi Việt Nam để xem xét cho phép xuất khẩu chính ngạch mặt hàng này sang Trung Quốc qua việc ký kết nghị định thư xuất khẩu.

Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu cho các loại nông sản, gồm: tổ yến, sầu riêng, khoai lang, chuối, thạch đen, măng cụt... Nhờ đó, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thuận lợi

Đơn cử, nhờ ký kết nghị định thư với Trung Quốc, chuẩn hóa toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo quản lý được mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói..., nên chỉ trong một thời gian rất ngắn, sầu riêng Việt Nam đã tăng tốc xuất khẩu sang thị trường này.

Mặt hàng chuối cũng rất khả quan nhờ nghị định thư ký kết với Trung Quốc vào tháng 11/2022, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chuối tăng thêm hàng trăm triệu USD trong năm nay. Nếu tính cả nhu cầu tăng nhập chuối Việt Nam từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông…, thì năm 2023, xuất khẩu chuối có thể mang về doanh thu 700 - 800 triệu USD.

Cụ thể, trong Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỷ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã chia sẻ trong buổi họp sơ kết ngành nửa đầu năm rằng: Người thành công tìm giải pháp, người thất bại tìm lý do. Ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để kiên định mục tiêu 55 tỷ USD xuất khẩu của năm nay.

Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn

Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm sẽ tươi sáng hơn khi nông sản Việt đang được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong quý 3-4/2023, dự kiến có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như: xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, vải, nhãn, sầu riêng, mít, bơ...

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khuyến cáo, người dân cần tập trung vào loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, sản xuất có mã số, nâng cao chất lượng, nâng cao tỉ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên Vietnam+, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam đã mở rộng nhiều kênh tiêu thụ, đặc biệt như thương mại điện tử; mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều cho các doanh nhân Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ nông sản.

Đặc biệt, từ khi Trung Quốc có chính sách Không COVID, các hoạt động thương mại dần trở lại bình thường sẽ đẩy mạnh thông quan hàng hóa.

Các bộ, ngành, địa phương có cửa khẩu biên giới sẽ cùng chung tay tháo gỡ khó khăn trong việc kiểm dịch, vận chuyển, giao hàng...

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, việc cấp mã số vùng trồng rau quả cũng được chú trọng tại các địa phương.

Cả nước có gần 6.500 vùng trồng tại 53/63 tỉnh, thành phố và 1.600 cơ sở đóng gói tại 33 tỉnh, thành phố được cấp mã số xuất khẩu. Đồng thời, có 25 sản phẩm được cấp mã số xuất khẩu như thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, vú sữa, chanh, bưởi, măng cụt, dưa hấu, mít, khoai lang, sầu riêng... tập trung ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU...

Theo báo Tuổi Trẻ, trả lời câu hỏi của báo chí về việc tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới.

Theo ông Cường, ngành trồng trọt đang có xu hướng giảm diện tích để "nhường" cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, điều này có thể dẫn tới giảm sản lượng rau quả. Tuy nhiên, mốc 10 tỷ USD trong tương lai hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta có các giải pháp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.

Với giá trị xuất khẩu 2,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định chưa bao giờ xuất khẩu rau quả đạt kết quả cao như hiện nay. Nếu giữ đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm nay, chắc chắn năm 2023 sẽ đạt trên 5 tỷ USD.

"Đó là hầu như chúng ta mới xuất khẩu thô, sản phẩm ở dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn nữa cho chế biến sâu, làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được", ông Tiến nói.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu rau quả “bùng nổ”, dự kiến có thể đạt 5 tỷ USD năm 2023" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833