Vì sao hơn 290.000 thí sinh bỏ xét tuyển nguyện vọng vào đại học?

01/08/2023 16:16

Bộ GD&ĐT ghi nhận có 292.000 thí sinh bỏ cơ hội xét tuyển Đại học đợt 1 năm 2023. Năm 2022, tỉ lệ này là 64,07%.

Lý do hơn 290.000 thí sinh từ chối vào đại học năm 2023

Mới đây, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT ghi nhận hơn 3,4 triệu nguyện vọng đã đăng ký khi kết thúc đăng ký xét tuyển đại học đợt 1, năm 2023. Tính đến đêm 30/7, đã có hơn 660.000 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 66% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Điều này đồng nghĩa gần 292.000 thí sinh bỏ cơ hội xét tuyển ĐH đợt 1 năm 2023. Năm 2022, tỉ lệ này là 64,07%.

Trao đổi với Người Lao Động về việc gần 292.000 thí sinh từ chối cơ hội xét tuyển vào ĐH, thí sinh Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân có thể kể đến như điều kiện kinh tế khó khăn nên học sinh không học ĐH; chọn con đường học nghề để nhanh ra trường có việc làm và thu nhập.

"Một số khác rất đông đi làm luôn tại doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI... Cũng không ít học sinh làm kinh tế hộ gia đình, ngoài ra một số ít đi du học", TS Hoàng Ngọc Vinh cho hay.

TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định gần 292.000 học sinh từ chối cơ hội xét tuyển vào ĐH cũng là cơ hội cho các trường nghề tuyển các em.

Thông tin thêm trên báo Sức khỏe & Đời sống, năm ngoái, cả nước có 315.993 thí sinh bỏ xét tuyển đại học khiến dư luận quan tâm. Thời điểm đó, lý giải về điều này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết lý do quan trọng dẫn đến con số này cao là bởi thí sinh được đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng lên hệ thống sau khi đã biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học nên đã không đăng ký nữa.

Cũng theo đại diện Bộ GD&ĐT, qua phân tích dữ liệu xung quanh con số 315.993 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển, có thể thấy hầu hết thí sinh đều có mức điểm thi rất thấp, dưới 15 điểm/tổ hợp 3 môn, nhất là ở các khối A0, A1 và B0.

Việc đóng lệ phí xét tuyển là bước quan trọng

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngay sau khi thí sinh đăng ký nguyện vọng, việc đóng lệ phí xét tuyển là bước quan trọng. Nếu thí sinh không thanh toán lệ phí xét tuyển thì không được công nhận nguyện vọng nào.

Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, theo Kế hoạch triển khai công tác tuyển sinh đại học (cùng với tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non) năm 2023 của Bộ GD&ĐT, thí sinh phải hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước 17h ngày 30/7 và thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, bắt đầu từ 0h ngày 31/7, thí sinh sẽ thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển theo hình thức trực tuyến. Việc này sẽ kéo dài đến 17h ngày 6/8 để bảo đảm an toàn, thuận lợi, tránh hiện tượng quá tải trong quá trình TS thực hiện thanh toán trực tuyến.

Đối với nhiều thí sinh, đây là lần đầu tiên thực hiện thanh toán bằng hình thức trực tuyến. Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, bảo đảm không có thí sinh nào không thực hiện được giao dịch thanh toán trực tuyến, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục và có các biện pháp phù hợp để phổ biến kịp thời nội dung văn bản này tới từng TS trên địa bàn và bảo đảm việc thanh toán trực tuyến của các em được thông suốt, an toàn.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các sở GD&ĐT phối hợp và hỗ trợ truyền thông, phổ biến tới thí sinh để biết và thực hiện đúng theo lịch phân chia; chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị sẵn sàng và chủ động triển khai công tác hỗ trợ thí sinh.

Cần phổ biến, hướng dẫn thí sinh về cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên Hệ thống (tài liệu gửi kèm theo: Tài liệu hướng dẫn đối với từng kênh thanh toán; một số khuyến nghị, lưu ý đối với thí sinh khi thực hiện nộp trực tuyến lệ phí xét tuyển). Nhắc nhở thí sinh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thanh toán trực tuyến theo tài liệu Hướng dẫn thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển nêu trên.

Chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp thí sinh không thể tự thực hiện, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Theo Vnexpress, Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 28-29/6 với hơn một triệu thí sinh. Trong số này, 917.700 học sinh thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học; 34.200 thí sinh thi chỉ để xét tuyển đại học.

Sau khi có điểm thi hôm 18/7, các trường đồng loạt thông báo điểm sàn xét tuyển, dao động 14-24,5. Điểm chuẩn đại học dự kiến được công bố ngày 22/8.

Trúc Chi (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao hơn 290.000 thí sinh bỏ xét tuyển nguyện vọng vào đại học?" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833