Trẻ em có nên chạy dài?

03/03/2023 18:12

Trong đà bùng nổ các giải chạy, nhiều trẻ em từ 6 đến 8 tuổi đã chạy cự ly 5-10km, thậm chí 21km, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu trẻ em có nên chạy dài như vậy.

Hai runner nhí trên đường chạy 700m của Kun Marathon TP HCM ngày 11/2. Ảnh: VnExpress Marathon

Hai runner nhí trên đường chạy 700m của Kun Marathon TP HCM ngày 11/2. Ảnh: VnExpress Marathon

Theo Lê Thanh Hùng - kiện tướng quốc gia 2 cự ly 800m và 1.500m, VĐV chuyên nghiệp của các cự ly khác ước tính cần khoảng 6-12 tháng tích lũy để tập tiếp lên cự ly marathon. Nếu thi đấu, quá trình chuẩn bị này còn dài hơn nữa. Chân chạy, HLV nổi tiếng trong phong trào với biệt danh "Hùng Hero" xem việc chạy dài đòi hỏi quá trình tích lũy khắt khe, ngay cả với VĐV chuyên nghiệp chứ chưa bàn đến các trẻ em.

Ông Trịnh Đức Thanh, Trưởng Bộ môn Điền kinh TP HCM phân tích: "Ngưỡng vận động giới hạn cho trẻ dưới 10 tuổi thường chỉ nên từ 2 tiếng trở xuống. Vượt ngưỡng này đều không tốt cho sự phát triển cơ, xương, khớp của trẻ". Theo cựu kỷ lục gia chạy 400m này, việc trẻ em ham thích thể thao nói chung và chạy dài nói riêng là điều đáng khích lệ, nhưng phụ huynh phải rất thận trọng trong việc tiếp cận, mà ở đây là chế độ tập luyện, dinh dưỡng để tích lũy thể lực.

Theo ngưỡng vận động 2 tiếng ông Đức Thanh đưa ra, trẻ em nếu đi bộ nhanh, hoặc vừa chạy vừa nghỉ ngơi, thả lỏng thì tốc độ trung bình tính theo số phút/km (pace) sẽ vào tầm 9-10 phút/km. Nếu lấy ngưỡng vận động là 2 giờ đồng hồ, thì cự ly được xem là ngưỡng chặn trên cho trẻ em 10 tuổi trở xuống là 10km. Vì thế, cự ly tối đa trẻ em nên tham gia chỉ là 10km.

Tuy nhiên, HLV Hùng "Hero" cũng gợi mở rằng trẻ em cần tập luyện đều đặn nếu muốn tham gia chạy 10 km khỏe mạnh, an toàn, không rơi vào trạng thái quá sức và tránh rủi ro. Anh nói: "Cá nhân tôi ước tính, nếu muốn chạy được 10 km, mỗi tuần trẻ sẽ phải vừa chạy, vừa tập các bài vận động với tổng quãng đường khoảng 20-25 km". Kiện tướng quốc gia này còn nhấn mạnh ở chi tiết "vừa chạy, vừa phải tập các bài vận động chứ không chỉ tập chạy".

Tại vạch đích một giải chạy tại huyện Đất đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 26/2, nhiều khán giả tỏ ý ngạc nhiên, khâm phục và liên tục vỗ tay khi runner nhí 8 tuổi Nguyễn Thy Ca hoàn thành cự ly 21 km sau 3 giờ 45 phút. Theo anh Thái Ca, bố của Thy Ca, đây là lần thứ hai bé hoàn thành cự ly half marathon, sau lần đầu tại một giải ở TP HCM ngày 8/1. Một bé gái khác cũng được biết đến đã hoàn thành cự ly 21km là Quỳnh Trang, 7 tuổi, sống tại TP HCM. Câu hỏi đặt ra là liệu hai runner nhí này có đang chạy quá sức và thậm chí là mạo hiểm với sức khỏe của mình hay không?

Tháng 5/2022, công đồng chạy bộ Mỹ từng tranh luận sôi nổi sau khi cậu bé 6 tuổi Rainier Crawford hoàn thành cự ly FM (42,195km) giải Flying Pig Marathon tại Cincinati, Ohio với thành tích 8 giờ 35 phút. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt vì cho rằng đây là sự thách thức thái quá về mặt thể chất. Nhưng cũng có rất nhiều ý kiến khác, dù thận trọng, vẫn gợi mở thay vì kiên quyết phản đối. Một chuyên gia thể thao không tiện nêu tên chia sẻ, trong khoảng 3-5 năm qua, phong trào chạy bộ phát triển mạnh đã nâng tầm thể lực của người dân, nên có thể xem xét những trường hợp đặc biệt và có những giải pháp linh hoạt hơn, dù vẫn đặt trên nền tảng thận trọng.

Cậu bé 6 tuổi Rainer Crawford đã hoàn thành cự ly full marathon
 
 

Rainer Crawford chạy FM tại Flying Pig Marathon tháng 5/2022.

Thy Ca hiện là VĐV nhỏ tuổi nhất, tập luyện cùng các VĐV và HLV chuyên nghiệp tại đội điền kinh TP HCM. Tracklog của Thy Ca cho thấy mỗi ngày bé đều dậy từ lúc 5 giờ sáng tập luyện đều đặn với 5 ngày chạy 5km/ngày, 1 ngày chạy dài (long-run) 10-12 km và 1 ngày chạy nhẹ phục hồi 3 km, với pace khoảng 7:30. Gia đình bé cho biết với cự ly 21 km, Thy Ca sẽ xem như một buổi long-run giới hạn thời lượng vận động ban đầu là 2 giờ đồng hồ, tức là trong khoảng thời gian này bé có thể chạy khoảng 12-15 km, và sau đó sẽ xem xét tiếp. Tới km thứ 15, nếu cảm thấy mệt mỏi, bé sẽ dừng chạy, còn nếu vẫn duy trì, Thy Ca có thể xem xét chạy chậm phục hồi để hoàn thành cự ly.

Một điểm quan trọng mà gia đình Thy Ca cho biết là từ khi gia tăng các bài long-run lên nhiều hơn 10 km thì chế độ dinh dưỡng của bé cũng thay đổi. Cho đến trước năm 2023, khẩu phần ăn hằng ngày của Thy Ca ngoài ba bữa chính theo chế độ giàu đạm, hạn chế tinh bột, bắt buộc còn có ba trái chuối, hai quả trứng gà, một hũ sữa chua, 0,5 lít sữa tươi. Nhưng từ đầu 2023, khi Thy Ca có thể hoàn thành cự ly 21km, khẩu phần ăn trên còn bổ sung thêm phomai, bơ và 100 gram thịt bò.

HLV Trịnh Công Khanh, hiện làm việc tại đội điền kinh TP HCM, gợi ý người tập cần phân biệt rõ khái niệm thể dục và thể thao. Theo đó, nếu xem chạy bộ là môn thể dục hằng ngày, thì ngày nào cũng có thể tập chạy, nhưng trong tâm thế thoải mái, không cố sức. Riêng với trẻ em, thể dục còn phải tạo ra niềm vui, sự hứng thú. "Trẻ có thể chạy dài một chút, nhưng mệt thì nghỉ, đi bộ, hết mệt lại chạy tiếp cho đến khi về đích. Nhưng nếu đã hướng trẻ đến thể thao chuyên nghiệp, cần có sự tính toán, định hướng dài hạn và phải rất thận trọng trong sự phát triển về mặt thể chất", chuyên gia này phân tích.

Về vấn đề dinh dưỡng, nếu trẻ có thể vận động thường xuyên, theo HLV này, cần tránh ăn kiêng, vì vận động thường xuyên, hợp lý sẽ giúp cho cơ thể và hình thể phát triển khỏe mạnh, cân đối trong dài hạn.

Theo HLV Đinh Quang Thịnh, hiện phụ trách các VĐV trẻ cự ly 400m tại TP HCM, nếu phát hiện thấy con trẻ có năng khiếu, hoặc yêu thích chạy bộ, phụ huynh có thể dành thời gian tham khảo ý kiến từ các giáo viên thể chất của nhà trường, hoặc các HLV tại các đội điền kinh quận huyện để có định hướng tốt nhất. "Nếu trẻ có năng khiếu chạy nước rút, nhưng lại vô tình tập trung cho việc chạy dài, lâu ngày, thần kinh vận động sẽ quen với việc này, thì có thể bị lãng phí đi khả năng của mình", anh nói.

HLV Quang Thịnh còn lưu ý các bậc phụ huynh rằng việc chạy các cự ly dài thường xuyên chỉ nên dành cho những trẻ có tố chất đặc biệt và thực sự ham thích với chạy dài.

Bé Thy Ca, 8 tuổi, trên đường chạy half marathon ngày 26/2. Ảnh: NVCC

Bé Thy Ca, 8 tuổi, trên đường chạy half marathon ngày 26/2. Ảnh: NVCC

HLV Hùng "Hero" thì kêu gọi phụ huynh không định hướng cho trẻ dưới 12 tuổi "đua top", kể cả khi chạy thi với các bạn cùng lứa tuổi. Trẻ trong tầm tuổi này chỉ nên chạy và trải nghiệm cảm giác thú vị trên đường chạy. "Trẻ em tập luyện sẽ có lợi thế về thời gian và và đó là cơ sở quan trọng để để tích lũy thể chất lâu dài, vốn là yêu cầu cực kỳ quan trọng nếu muốn hướng đến chạy dài và chạy marathon", chân chạy cự ly trung bình này nhấn mạnh.

Từ trải nghiệm của bản thân và con gái Thy Ca qua nhiều giải chạy, anh Thái Ca cho rằng các bậc phụ huynh nên cho con tập bàn bản, nếu thấy trẻ có năng khiếu và yêu thích chạy dài. Tuy nhiên, ông bố này cũng nhấn mạnh rằng để động viên các con và đề phòng có sự cố, phụ huynh cần theo dõi sát sao, đồng hành cùng trẻ cả trong tập luyện lẫn khi đi race.

Đại Ngàn

Bạn đang đọc bài viết "Trẻ em có nên chạy dài?" tại chuyên mục THỂ THAO. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833