Tp.HCM: Siết chặt quy định chuyển trường cấp THPT để đảm bảo công bằng

04/08/2023 21:12

Từ năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Tp.HCM phân cấp thẩm quyền giải quyết việc chuyển trường, xin học lại đối với học sinh THPT cho hiệu trưởng nhà trường.

Đề cao trách nhiệm của hiệu trưởng

Trao đổi với Người Đưa Tin, Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Sở này đã có quyết định phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho hiệu trưởng trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (cấp học cao nhất là THPT). Trong đó, phân cấp thẩm quyền cho hiệu trưởng nhà trường thực hiện việc chuyển trường đối với học sinh THPT (mã TTHC: 2.002478) và phân cấp thẩm quyền thực hiện việc xin học lại đối với học sinh trung học (mã TTHC: 1.001088).

Theo đó, Hiệu trưởng các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (cao nhất là THPT) có trách nhiệm giải quyết việc chuyển trường và xin học lại đối với học sinh THPT theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Tp.HCM.

Còn ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM thông tin, từ năm học 2022-2023 việc chuyển trường học sinh THPT sẽ được thực hiện trong thời gian hè trước khi khai giảng năm học mới và khi kết thúc học kỳ I của năm học.

Hiệu trưởng trường nơi chuyển đi và hiệu trưởng trường nơi chuyển đến thống nhất cho chuyển đi và nhận chuyển đến. Trong đó, hiệu trưởng trường tiếp nhận học sinh chuyển đến căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh được giao hàng năm để tiếp nhận học sinh (không nhận thêm học sinh khi đã đủ chỉ tiêu).

“Hiệu trưởng nhà trường khi tiếp nhận học sinh chuyển đến cần lưu ý xem xét kỹ chương trình học (Chương trình GDPT 2006 hay Chương trình GDPT 2018), môn học (bắt buộc, lựa chọn, tự chọn) và các chuyên đề học tập lựa chọn để tiếp nhận học sinh, đảm bảo học sinh có thể hoàn thành chương trình học giai đoạn tiếp theo”, ông Quốc lưu ý thêm.

Ghi nhận của Người Đưa Tin, tại Trường THPT Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, việc chuyển trường của học sinh đến trường khác chỉ giải quyết trong trường hợp “nhà học sinh phải cách trường THPT Bình Hưng Hòa từ 7km trở lên và được sự đồng ý của hiệu trưởng trường chuyển đến”.

Bên cạnh đó, trường này quy định sẽ không tiếp nhận, giải quyết trường hợp chuyển trường với học sinh khối 12 năm học 2023-2024.

Trong khi đó, Trường THPT Thanh Đa, quận Bình Thạnh chỉ tiếp nhận học sinh chuyển đến trong trường hợp sĩ số lớp học còn khả năng đáp ứng, đồng thời nhóm môn học lựa chọn của học sinh phải “tương thích” với các nhóm môn học nhà trường đang triển khai giảng dạy.

“Nhà trường chỉ tiếp nhận học sinh chuyển đến trong trường hợp nhóm môn học lựa chọn học sinh lựa chọn ở trường chuyển đi phù hợp với nhóm môn học lựa chọn nhà trường có giảng dạy. Bên cạnh đó, sĩ số lớp học của trường phải còn đủ khả năng tiếp nhận, chưa vượt quá 45 em/lớp”, thông báo của nhà trường cho biết.

Việc giải quyết trường hợp học sinh chuyển trường được Trường THPT Dương Văn Thì, Tp.Thủ Đức căn cứ trên 2 yếu tố: Việc thay đổi chỗ ở của học sinh; Khả năng học tập của học sinh ở trường chuyển đến. Riêng với học sinh theo học Chương trình GDPT 2018, việc chuyển trường còn được cân nhắc thêm về nhóm môn học lựa chọn của học sinh…

Phòng tránh phát sinh tiêu cực

Tại Tp.HCM, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm luôn mang tính phân hóa cao, với chỉ 70% học sinh tiếp tục theo học tại các trường THPT công lập. Do đó, tình trạng học sinh xin chuyển từ các trường THPT top dưới lên trường THPT top trên phổ biến đến mức nhiều trường THPT top dưới thậm chí không giải quyết bất kỳ trường hợp nào xin chuyển trường nếu học sinh không thực sự có lý do chính đáng.

Một cán bộ phó hiệu trưởng trường THPT tại quận 8 chỉ ra, là trường vùng ven thành phố, việc tuyển sinh của trường này rất khó, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu lớp 10.

“Nhiều năm trước, chỉ sau một năm học, số học sinh xin chuyển đi mất đến cả lớp (45-50 em). Vài năm nay, trường đã không giải quyết trường hợp nào, thay vào đó đội ngũ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục để giữ chân học sinh”, vị này cho biết

Hiệu trưởng một trường THPT tại Tp.Thủ Đức chia sẻ, sở dĩ nhiều trường phải “ràng buộc” trong việc chuyển trường là vì chỉ cần giải quyết cho 1 trường hợp thì sẽ phải giải quyết cho nhiều trường hợp, rất khó khăn cho các trường THPT top dưới.

Nhiều lãnh đạo trường THPT top dưới tại Tp.HCM đồng quan điểm, ngay khi đặt nguyện vọng vào trường THPT, học sinh đã được các trường THCS tư vấn rất kỹ về khoảng cách địa lý để phù hợp với điều kiện di chuyển của học sinh. Phụ huynh học sinh đã phải làm đơn cam kết không đổi nguyện vọng sau khi trúng tuyển. Do đó, nếu lấy lý do rằng điều kiện di chuyển khó khăn để xin chuyển trường thì không đủ sức thuyết phục.

Giải đáp cho học sinh về việc chuyển trường sau khi trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, bà Võ Thị Huyền, chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Tp.HCM cho rằng học sinh không nên có suy nghĩ chuyển trường vì việc này rất khó.

Theo quy định, sau khi trúng tuyển, hệ thống của Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ chọn ra học sinh trúng tuyển vào lớp 10, trúng nguyện vọng nào bắt buộc phải chọn nguyện vọng đó, không được thay đổi. Khi đã nhập học, các em phải theo suốt 3 năm THPT. Nếu không theo được, các em buộc phải nghỉ học hoặc chuyển sang hướng đi khác.

Ở THCS, các em có thể chuyển trường gần nhà, trường phù hợp năng lực. Còn ở THPT, các em xin chuyển trường rất khó vì phải được sự chấp thuận của hiệu trưởng hai trường. Cho dù hiệu trưởng trường này chấp nhận nhưng hiệu trưởng trường kia không đồng ý thì các em không được chuyển.

“Mặt khác, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng là nguyên nhân khiến việc chuyển trường của các em càng khó khăn hơn. Vì như đã nói, chương trình giáo dục mỗi trường mỗi khác, tổ hợp môn tự chọn cũng khác nhau nên việc chuyển trường sẽ gây ra nhiều khó khăn cho học sinh lẫn giáo viên giảng dạy”, bà Huyền lý giải.

Bổ sung kiến thức cho học sinh chuyển trường

Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Tp.HCM yêu cầu, kể từ năm học 2023-2024, các nhà trường thực hiện chuyển trường và tiếp nhận học sinh chuyển trường không lấy sách giáo khoa làm căn cứ, gây khó khăn cho học sinh khi chuyển trường.

Học sinh học theo Chương trình GDPT 2018, sau khi học sinh hoàn thành chương trình và được lên lớp trên thì được chuyển trường. Việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa được lựa chọn khác nhau giữa trường nơi chuyển đi và trường nơi chuyển đến.

Đối với học sinh THPT học Chương trình GDPT 2018, khi chuyển trường, nếu có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, nhà trường cần hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT. Đồng thời, có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học sinh bổ sung kiến thức, kỹ năng của môn học mới để học sinh có đủ năng lực học tiếp môn học mới ở lớp tiếp theo.

Bạn đang đọc bài viết "Tp.HCM: Siết chặt quy định chuyển trường cấp THPT để đảm bảo công bằng" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833