Real - Barca: Khi kẻ thù cũng cần có nhau

04/03/2023 01:05

Tây Ban NhaBất chấp quá khứ thù địch và sự ganh đua về thành tích, Real và Barca ngày càng xích lại gần nhau trong cuộc chiến vì lợi ích chung.

*Real - Barca: 3h thứ Sáu 3/3, giờ Hà Nội.

Một buổi sáng tháng 12/2022 tại Madrid, tiết trời lạnh giá, nhưng bên trong khách sạn Ritz là một bầu không khí trái ngược, với sức nóng toả ra từ tiền bạc và quyền lực trong một cuộc họp báo đặc biệt. Chủ tịch Florentino Perez của Real và Joan Laporta của Barca sánh vai nhau cùng CEO Bernd Reichart của A22 Sports Management - công ty quảng bá siêu dự án Super League.

Perez và Laporta là nhân vật chính của sự kiện, nhưng họ không có mặt ở đây để lên tiếng. Reichert mới là người đứng lên khẳng định Super League "chưa hề chết" và sự có mặt của hai vị chủ tịch quyền lực nhằm củng cố quan điểm này, bất chấp những phán quyết của Toà án Công lý châu Âu chỉ một ngày trước đó.

Sự kiện được tổ chức nhằm cho công chúng thấy hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha vẫn khăng khít trong cuộc chiến chống lại những đối thủ chung, bao gồm Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin và Chủ tịch Liga Javier Tebas. Trong hai thập niên trở lại, Perez và Laporta thường ở hai đầu chiến tuyến khi Madrid và Barca tranh đấu tại Liga và cả danh hiệu Champions League. Nhưng các sự kiện mới đây dần biến họ thành đồng minh trong cuộc chiến sẽ để lại hệ quả lớn tới cả bóng đá Tây Ban Nha lẫn châu Âu.

Laporta (trái) và Perez thân mật trong cuộc họp công bố tái khởi động dự án Super League tại Madrid hồi tháng 12/2022. Ảnh: EFE

Laporta (trái) và Perez thân mật trong cuộc họp công bố tái khởi động dự án Super League tại Madrid hồi tháng 12/2022. Ảnh: EFE

Đây là liên minh hiếm thấy, nhất là khi việc Real và Barca được xem như kẻ thù không đội trời chung trên toàn thế giới, với mỗi trận El Clasico giữa họ mang ý nghĩa còn hơn một trận bóng đá với những khác biệt về văn hoá, xã hội giữa Tây Ban Nha và xứ Catalonia. Bản thân Perez, Laporta đều là những CĐV lâu đời của đội bóng và biết cách tận dụng sức mạnh của sự kình địch trên.

Khi ra tranh cử Chủ tịch Real năm 2000, Perez gây sốc với lời hứa sẽ "cướp" cầu thủ hay nhất của Barca lúc ấy - Luis Figo, nếu đắc cử. Khi danh thủ Bồ Đào Nha sang Real trong vụ chuyển nhượng thế kỷ, xứ Catalonia phẫn nộ và xem anh như kẻ phản đồ không thể tha thứ. Năm 2003, Laporta được ca ngợi như người gỡ lại danh dự cho Barca khi thắng cử chủ tịch và mang tới những nét mới mẻ cho CLB giàu truyền thống.

Nỗi đau từ việc mất Figo dần được xoá mờ, nhất là khi HLV Pep Guardiola xuất hiện và cùng những tài năng cây nhà lá vườn như Lionel Messi, Xavi và Andres Iniesta thành công rực rỡ, đồng thời mê hoặc khán giả với phong cách chơi bóng thêu hoa dệt gấm. Để đáp lại, Perez thuê HLV danh giá hàng đầu thời điểm đó Jose Mourinho để lật đổ Barca thông qua những cuộc chiến cả trong và ngoài sân cỏ. Đỉnh điểm của sự thù địch xấu xí diễn ra tháng 8/2011, khi Mourinho lấy tay chọc vào mắt trợ lý Barca Tito Vilanova trong một trận El Clasico.

Trong những năm 2010, El Clasico là một sự kiện không thể bỏ qua của thế giới bóng đá, thu hút tới hơn 500 triệu người xem trên toàn cầu chứng kiến cuộc đối đầu giữa những siêu sao hàng đầu thế giới: Messi, Neymar cùng Xavi, Iniesta chống lại Cristiano Ronaldo, Karim Benzama hay Luka Modric.

El Clasico còn là nơi thể hiện những tuyên ngôn chính trị, như khi CĐV xứ Catalonia hô vang đòi độc lập trên sân Camp Nou. Một trận El Clasico năm 2019 thậm chí còn bị hoãn vì quan ngại an ninh.

Trong giai đoạn Josep Maria Bartomeu làm Chủ tịch Barca (2014-2020), ông thường xuyên ca thán việc có quá nhiều đối thủ được "bàn tay đen" của Perez điều khiển. Bartomeu không hẳn vô lý, khi khu vực VIP của sân Bernabeu thường xuyên chào đón các chính trị gia, tài phiệt và cả Vua Juan Carlos I.

Barca và Real như nước với lửa, một bên là những người chiến đấu vì độc lập của Catalonia chống lại những người bảo vệ các giá trị bảo thủ của Tây Ban Nha. Nhưng hai bên lại giống nhau nhiều hơn họ có thể thừa nhận công khai trên mặt báo. Cả hai đều là những đội bóng do hội viên nắm quyền, gốc gác địa phương nhưng tầm ảnh hưởng quốc tế, đồng thời có sự dân chủ không hoàn hảo dẫn tới quyền lực khổng lồ của chủ tịch.

Messi mừng bàn thắng trong trận Barca hạ Real 4-3 trên sân Bernabeu tháng 3/2014. Ảnh: Reuters

Messi mừng bàn thắng trong trận Barca hạ Real 4-3 trên sân Bernabeu tháng 3/2014. Ảnh: Reuters

Và giờ đây, hai thế lực ấy lại bắt tay nhau vì Super League. Việc Real ủng hộ dự án này là đương nhiên, bởi Perez là cha đẻ của ý tưởng lập giải đấu và đã ấp ủ kế hoạch từ lâu. Luận điểm của ông rằng đây là cách duy nhất Real có thể cạnh tranh công bằng với những thế lực khác của châu Âu, nơi nguồn doanh thu tới từ bên ngoài sân cỏ và thậm chí còn từ ngân khố quốc gia, như PSG hay Man City.

Năm 2021, Man City lần đầu vượt cả Real lẫn Barca để đứng đầu danh sách Money League của Deloitte với doanh thu 644,9 triệu euro, tăng 17% so với năm 2020. Cùng lúc, doanh thu của Real và Barca lần lượt giảm 7% và 18%. Chi phí chuyển nhượng 218,8 triệu euro của Man City cũng vượt xa con số 44,7 triệu của Real và 90,8 triệu của Barca.

So với Real, Barca không dứt khoát bằng trong việc phá rào, dù các đời chủ tịch gần đây như Laporta, Sandro Rosell, Bartomeu đều không bỏ lỡ cơ hội nào để chỉ trích cách UEFA điều hành các giải đấu cấp CLB. Trước khi từ chức tháng 10/2020, Bartomeu từng tuyên bố Barca muốn dự Super League trong tương lai. Lúc đó, Chủ tịch Tebas mỉa mai" "Bartomeu là con rối của Florentino, còn Barca từng có tiếng nói nhưng giờ chỉ biết lặp lại lời của Real".

Đó là thực tế chẳng người hâm mộ Barca nào muốn nghe, bởi Super League gắn liền với người đã cướp Figo từ tay họ và việc Mourinho tiểu xảo với Vilanova. Trong cuộc bầu cử Chủ tịch Barca, Laporta hùng hồn tuyên bố tháng 1/2021: "Super League chỉ xoay quanh tiền bạc và sẽ huỷ diệt bóng đá". Ông thừa hiểu cử tri muốn nghe gì, và đắc cử lần hai vào tháng 3 năm đó.

Nhưng cũng chỉ vài tuần sau, Barca lại là một trong 12 thành viên sáng lập Super League, trong đó Perez đứng đầu liên minh mới, và là ngọn hải đăng dẫn đường.

Trên sóng truyền hình, Perez tuyên bố: "Việc thuyết phục Laporta chẳng khó khăn mấy. Super League sẽ cứu Barca khỏi thảm cảnh kinh tế. Ngày mai, Laporta sẽ xuất hiện và tuyên bố với tất cả". Tuy nhiên, vị cựu luật sư khôn ngoan đã không làm điều đó khi chứng kiến cách dự án chết yểu từ trong trứng với những màn biểu tình phẫn nộ tại Anh.

Sự bức xúc đó không diễn ra ở Catalonia, nơi những người hiểu chuyện biết Perez nói đúng. Barca lúc ấy đang nợ 1,3 tỷ euro và không thể lắc đầu với núi tiền họ sẽ nhận nếu Super League thành hiện thực. Vậy nên, ngay cả khi tất cả thành viên sáng lập khác ngoại trừ Juventus đều tuyên bố rút lui, Barca cùng Laporta vẫn kiên trì ở lại bên Real và Perez.

Cũng như Tebas, Chủ tịch UEFA Ceferin luôn tìm cách chia rẽ mối lương duyên đặc biệt giữa Real với Barca. Ông tuyên bố trên tờ AS hồi tháng 5: "Barca xưa nay vẫn là đội bóng của nhân dân, không như Real".

Nhưng hai siêu CLB vẫn dắt tay nhau đi qua giông bão, dù họ phải trải qua một mùa hè không đội bóng châu Âu nào dám đá giao hữu với họ. Real và Barca tự tổ chức một trận El Clasico tại Las Vegas, Mỹ. Còn khi tổ chức Cup Gamper truyền thống tiền mùa giải, Barca phải mời CLB Mexico UNAM Pumas tham dự sau khi AS Roma bất ngờ rút lui.

Khó khăn chẳng làm Laporta chùn bước, mà trái lại, ngày càng ủng hộ công khai Super League. Trong cuộc họp thường niên tháng 10/2022, ông khẳng định Super League sẽ là "giải đấu mở, công bằng và tôn trọng các giải đấu quốc nội khác". Người đứng đầu Barca đồng thời tin Toà án châu Âu sẽ phán quyết UEFA là tổ chức độc quyền và cần thay đổi.

Ngay cả khi Toà án Công lý châu Âu đưa ra phán quyết rằng UEFA và FIFA có luật lệ đáp ứng luật EU, Laporta vẫn lên radio dự đoán Super League sẽ "trở thành hiện thực năm 2025". Vậy nên việc Laporta xuất hiện cùng Perez để đảm bảo dự án vẫn có tương lai hồi tháng 12/2022 không bất ngờ.

Hơn nữa, Super League không phải mối quan tâm chung duy nhất của Real và Barca trong những năm qua. Bởi cả hai đều có một đối thủ chung là Chủ tịch La Liga, Javier Tebas.

Laporta và Perez, cũng như Barca và Real, tìm thấy sự tương đồng về lợi ích trong cuộc đối đầu với Chủ tịch La Liga, Javier Tebas (giữa). Ảnh: El Espanyol

Laporta và Perez, cũng như Barca và Real, tìm thấy sự tương đồng về lợi ích trong cuộc đối đầu với Chủ tịch La Liga, Javier Tebas (giữa). Ảnh: El Espanyol

Sau khi đắc cử năm 2013, Tebas liên tục có những động thái ủng hộ quyền lợi các CLB nhỏ vốn luôn cảm thấy bị chèn ép bởi Real và Barca. Ngược lại, hai gã khổng lồ thấy bất công, vì họ không được đền đáp xứng đáng so với những đóng góp chiếm tới một nửa tổng doanh thu bóng đá Tây Ban Nha.

Real và Barca là hai đội bóng hiếm hoi từ chối gói tài trợ hợp tác trị giá 2,7 tỷ USD của Quỹ CVC mà Tebas vận động. Dù vậy, trong hè 2022, Barca đã tham gia một hợp đồng giống CVC về bản chất, chỉ khác đối tác là Sixth Street của Mỹ. Thoả thuận này được sắp xếp bởi Key Capital Partners – đơn vị hỗ trợ tài chính của Super League. Nhờ đó, Barca có thêm 517 triệu euro để trang trải các nhu cầu tài chính cấp bách.

Truyền thông Catalonia cố gắng không đề cập tới mối liên kết rõ ràng giữa Key Capital Partners với Real. Thay vào đó, họ tập trung ngợi ca việc những "đòn bẩy tài chính" đã giúp các ngôi sao Robert Lewandowski hay Raphinha cập bến Camp Nou trong mùa hè.

Tiếp đó, Real và Barca lại liên minh chống lại phần còn lại của La Liga trong cuộc chiến liên quan tới Luật Thể thao của chính phủ Tây Ban Nha. Perez đã tìm cách để sửa từ ngữ trong luật sao cho có lợi cho Real và Barca, trong khi Tebas và những CLB khác cố gắng bảo vệ tính công bằng trong luật. Chủ tịch Sevilla Jose Castro đã mỉa mai: "Tất cả, trừ một số người, đều sát cánh bên nhau".

Real và Barca cũng tẩy chay chuyến công tác của La Liga nhằm tạo dựng những đối tác kinh doanh tại Trung Đông. Họ cũng không có đại diện trong hội đồng La Liga bao gồm các giám đốc và quan chức cấp cao của các đội. Đại diện của họ trong cuộc họp La Liga tại Trung Đông là luật sư từ Clifford Chance - công ty luật đại diện cho Super League trong vụ kiện chống lại UEFA.

Với người ngoài, Real và Barca có thể là kẻ thủ, hoặc nhẹ hơn là kình địch, nhưng lãnh đạo của họ lại nghĩ khác. Cựu chủ tịch Ramon Calderon từng nói trên The Athletic: "Không bao giờ có vấn đề giữa hai đội, thậm chí ngược lại. Luôn có những bữa ăn thân mật trước trận đấu. Chúng tôi biết mình đại diện cho hai kình địch, nhưng chúng tôi chưa khi nào là kẻ thù mà luôn dành sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi quan hệ tốt với Laporta và vẫn duy trì sau chừng ấy năm".

Trừ giai đoạn căng thẳng tột độ như những trận kinh điển thời Mourinho, quan hệ giữa Perez và các đời chủ tịch Barca trong 20 năm qua thường tốt đẹp. Trong một lần Perez vô tình làm bẩn cravat khi ăn tối trước trận El Clasico, người đồng cấp của ông đã nhanh chóng cho mang tới một loạt cravat mới để ông lựa chọn. Khi Real tiếp Barca tại Bernabeu, một số cổ động viên Real đã xúc phạm Rosell trên khu VIP. Hệ quả là những người đã mua vé cả mùa này bị Perez cho ngồi chỗ khác trên khán đài vĩnh viễn.

Sự thân thiết giữa các vị chủ tịch, nhất là từ khi Laporta tái xuất, đã làm những CĐV Barca phải nhướn mày, thậm chí còn lo lắng liệu Perez có đang lợi dụng để chờ cơ hội triệt tiêu họ. Evarist Murtra – giám đốc tại Barca trong nhiệm kỳ đầu của Laporta – bày tỏ: "Quan hệ giữa Florentino và Laporta lẽ ra phải ngang hàng. Nhưng giờ tôi không thấy vậy. Barca đang chạy theo Real, và tôi phiền lòng vì điều đó".

Dù vậy, giờ đây Real và Barca đã cùng ở một chiến tuyến và nếu chỉ một người bước hụt, kẻ kia chắc chắn cũng sẽ ngã. Nếu thiếu đi một bên, người còn lại sẽ chỉ còn một mình và không ai ủng hộ. Họ cần nhau vì những mục tiêu chung, và cả vì động lực như cách Perez từng mô tả: "Nếu Barca không tồn tại trên đời, có lẽ chúng tôi đã phải tạo ra họ".

Thịnh Joey (theo The Athletic)

Bạn đang đọc bài viết "Real - Barca: Khi kẻ thù cũng cần có nhau" tại chuyên mục THỂ THAO. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833