Lý do hầu hết các nước từ bỏ sử dụng bom đạn chùm

08/07/2023 17:12

Mới đây, Mỹ đã xác nhận sẽ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine như một phần của gói viện trợ quân sự mới. Và, loại vũ khí này như thế nào mà nó lại gây ra sự tranh cãi.

Bom, đạn chùm là gì?

Đạn chùm, hay còn được gọi là bom chùm, là một hộp chứa vài chục đến vài trăm các loại bom nhỏ hơn, hay còn được gọi là đạn dược thứ cấp. Những hộp chứa này có thể được thả từ các máy bay, phóng từ các tên lửa hoặc từ các thiết bị pháo quân sự.

Các hộp chứa sau đó sẽ giải phóng ra ở một độ cao cố định, tùy thuộc vào khu vực mục tiêu, và sau đó các bom nhỏ sẽ được trải dài trên diện rộng. Chúng sẽ được kích nổ bởi thiết bị kích hoạt khi gần hoặc chạm mặt đất, giải phóng nhiều mảnh đạn để tiêu diệt binh lính hoặc phá hủy các phương tiện thiết giáp như xe tăng.

Mỹ cung cấp cho Ukraine loại đạn chùm nào?

Mỹ sở hữu một kho vũ khí đạn chùm DPICM, hay đạn thông thường cải tiến, và không còn được sử dụng kể từ năm 2016.

Theo bài đăng trên trang mạng của quân đội Mỹ eArmor, đạn chùm DPICM mà Mỹ cung cấp cho Ukraine sẽ được khai hỏa từ những đội pháo howitzer 155mm, với mỗi hộp chứa mang theo 88 bom nhỏ. Mỗi bom nhỏ có phạm vi sát thương khoảng 10m, vì vậy mỗi hộp chứa sẽ có thể bao trùm một khu vực có phạm vi lên đến 30,000m2, tùy thuộc vào độ cao mà họ sẽ giải phóng các bom nhỏ.

Bài viết cũng cho biết, các bom nhỏ của DPICM có cơ chế khi phát nổ và đánh trúng các xe tăng hay phương tiện thiết giáp, tạo ra các mảnh kim loại phá vỡ lớp vỏ kim loại. Cần khoảng 10 bom nhỏ để có thể phá hủy một phương tiện thiết giáp, nhưng chỉ cần 1 mảnh kim loại là đủ để vô hiệu hỏa vũ khí của phương tiện hoặc khiến chúng mất đi khả năng di chuyển.

Thế giới - Lý do hầu hết các nước từ bỏ sử dụng bom đạn chùm

Cận cảnh bên trong một quả bom chùm. 

Đạn chùm đã được sử dụng trên chiến trường Ukraine trước đây hay chưa?

Cả Ukraine và Nga đều đã sử dụng đạn chùm kể từ khi lực lượng quân sự Nga xâm lược hồi tháng 2/2022. Gần đây, quân đội Ukraine đã bắt đầu sử dụng các thiết bị đạn chùm do Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp trên chiến trường.

Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, các quan chức Ukraine đã bắt đầu thúc giục Mỹ cung cấp cho họ đạn chùm của Mỹ, cho rằng họ sẽ cung cấp thêm đạn dược cho những thiết bị vũ khí mặt đất mà phương Tây đã cung cấp, qua đó thu hẹp lợi thế quân số pháo binh của Nga.

Tại sao đạn chùm lại gây nhiều tranh cãi hơn các loại bom, đạn khác?

Bởi các bom nhỏ trải dài trên một khu vực rộng lớn, chúng có thể gây nguy hiểm cho thường dân.

Thêm vào đó, Tổ chức Chữ thập đỏ cho biết từ 10-40% đạn chùm thất bại trong việc kích nổ. Nhưng thiết bị bom, đạn chùm này sau đó có thể bị kích nổ bởi các hoạt động dân sự vài năm, thậm chí vài thập kỷ sau đó.

Liên hiệp bom chùm, một tổ chức hoạt động nhằm mục đích kêu gọi cấm sử dụng loại vũ khí này, cho rằng nhiều thiết bị bom, đạn chùm chết người vẫn có thể nằm rải rác đâu đó tại Lào và Việt Nam, nhiều năm sau khi chúng được thả xuống.

Trong một tuyên bố vào thứ 6 vừa rồi, Tổ chức theo dõi Nhân quyền cho biết cả Ukraine và Nga đều đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng bởi việc sử dụng bom, đạn chùm.

Trong một cuộc họp ở Thụy Sĩ năm ngoái về đạn dược, Chủ tịch Hội đồng Chữ thập đỏ quốc tế Gilles Carbonnier đã nói:“Đạn chùm vẫn là một trong những vũ khí khủng khiếp nhất thế giới. Chúng tiêu diệt hàng loạt và rất dễ gây ra thương vong ngoài tầm kiểm soát. Bất kỳ hành vi sử dụng đạn chùm nào tại bất kỳ đâu, bởi bất kỳ ai, cần phải bị nghiêm cấm”.

Phần lớn thế giới đã cấm sử dụng loại vũ khí này thông qua Hiệp ước đạn chùm (CCM), trong đó cấm tàng trữ, sản xuất và chuyển giao chúng.

Tuy nhiên, trong khi 123 nước đã tham gia bản hiệp ước, thì Mỹ, Nga, Ukraine và 71 nước khác lại chưa tham gia.

Theo Tổ chức nhân quyền, việc sử dụng đạn dược để tấn công quân đội hoặc phương tiện kẻ thù là không vi phạm luật quốc tế, nhưng tấn công thường dân bằng vũ khí có thể được coi là tội ác chiến tranh.

Đạn chùm đã được sử dụng khi nào trước đây?

Vũ khí bom, đạn chùm đã được sử dụng từ Chiến  tranh thế giới lần 2, và trong hơn 3 chục cuộc xung đột kể từ đó.

Lần cuối cùng Mỹ sử dụng loại vũ khí này là ở Iraq, trong những năm 2003-2006.

Theo tuyên bố năm 2017 của Trung tâm chỉ huy Mỹ, lực lượng quân sự Mỹ đã bắt đầu loại bỏ loại vũ khí này bởi nguy hiểm mà chúng có thể gây ra cho thường dân.  

Nguyễn Quang Minh  

Bạn đang đọc bài viết "Lý do hầu hết các nước từ bỏ sử dụng bom đạn chùm" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833