"Học sinh ảo” sau thi tuyển lớp 10: Hạ điểm chuẩn hay tuyển bổ sung?

01/08/2023 17:13

Bất cập từ định hướng nguyện vọng nên khi trúng tuyển lớp 10 thì nhiều học sinh không đến nhập học, khiến nhiều trường THPT loay hoay.

Trường học ngóng học sinh

Đầu tháng 8/2023, ghi nhận của Ngưởi Đưa Tin, các trường THPT ở vùng ven tiếp tục tái diễn tình trạng “khát” học sinh khi học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học ở mức cao.

Bà Nguyễn Hoàng Diễm Ly, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Tăng, Tp.Thủ Đức cho biết, chưa năm nào nhà trường tuyển đủ chỉ tiêu.

“Trong danh sách 865 học sinh trúng tuyển lớp 10 vào trường năm nay có tới hơn 200 em nhà ở cách trường trên 10km, 15km. Có những em ở Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12 cũng đăng ký nguyện vọng về trường. Nhiều phụ huynh học sinh khi đến trường làm thủ tục nhập học, than xa xôi quá, lại ra về, không nhập học nữa. Trường phải điện thoại cho từng phụ huynh, mời gọi, thuyết phục đến trường nhập học, ngày nào cũng thấp thỏm ngóng học sinh đến nhập học”, bà Diễm Ly cho hay.

Theo vị hiệu trưởng này, thực trạng phụ huynh chỉ chăm chăm đăng ký cho con đậu trường THPT công lập mà chưa chú trọng đến khoảng cách từ nhà đến trường đã dẫn đến những bất cập trong tuyển sinh của trường hàng năm.

Còn bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú, huyện Bình Chánh xác nhận, hằng năm, số học sinh nhập học vào trường chỉ khoảng 50%, cao lắm mới được 65%.

Đa số học sinh trúng tuyển vào trường là nguyện vọng 3, lên đến 50% tổng số em trúng tuyển vào trường, phần nhiều trong đó lại ở rất xa.

Năm nay, số học sinh ở xa lên đến 200 em, có khi ở quận 12, Hóc Môn, Tân Bình, Tân Phú… nên nhiều em lựa chọn học tư thục, học GDTX chứ không nhập học.

“Nhà trường chỉ dám chuẩn bị nhân lực cho khoảng 10 lớp chứ không dám xây dựng chiến lược dài hơi. Khó khăn nhất là rất khó định hình số lượng lớp để xếp lớp cho giáo viên. Toàn trường có 45 phòng học nhưng sử dụng hết công suất chỉ là 30 phòng, dôi dư tới 15 phòng.

Dù có bố trí xe bus đưa đón học sinh đi học để thuận tiện cho những học sinh ở xa, thế nhưng các em chỉ học khoảng 1 năm là xin chuyển trường, xin chuyển ra ngoài công lập, giáo dục thường xuyên vì… xa xôi quá chịu không nổi, khiến việc dạy và học luôn phập phù, danh sách học sinh biến động liên tục”, bà Tâm lo lắng.

Tình trạng này cũng diễn tại Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8), THPT Đa Phước (huyện Bình Chánh), THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh, THPT Long Trường (Tp.Thủ Đức)…

Bàn giải pháp tránh lãng phí

Thực tế, việc tuyển không đủ chỉ tiêu, với 40%-50% học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, hoặc học xong lại ồ ạt xin chuyển trường đã đặt ra nhiều bài toán khó trong xây dựng kế hoạch, mục tiêu, chiến lược giáo dục cho nhiều trường THPT tại Tp.HCM, nhất là khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4 đánh giá, một số học sinh có năng lực tốt nhưng đặt nguyện vọng không phù hợp dẫn đến trượt cả 3 nguyện vọng công lập, buộc tìm phương án khác.

Đa phần, các em sẽ theo học trường dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trường cao đẳng nghề, ít em có xu hướng nghỉ học.

"Với những trường hợp điểm cao nhưng trượt cả 3 nguyện vọng công lập sẽ rất đáng tiếc. Trong khi nhiều trường THPT lại thiếu chỉ tiêu dẫn đến khó khăn trong công tác dạy và học, thiếu nguồn lực để phát triển nhà trường", ông Đảo nói.

Từ đó, ông Đảo đề xuất cần có những tính toán phù hợp cho thực trạng trên, trong đó, bàn luận tới việc hạ điểm chuẩn hoặc tuyển bổ sung.

"Đây là bài toán nghe có vẻ đơn giản nhưng cần phân tích, tính toán kỹ lưỡng. Việc phân tuyến, phân chỉ tiêu đã được tính toán kỹ để đảm bảo hài hòa giữa công lập, dân lập và dạy nghề. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần đặt lợi ích người học lên trên hết", ông Đảo bày tỏ.

Nhà giáo Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Tp.HCM nhìn nhận, câu chuyện học sinh trúng tuyển lớp 10 nhưng không nhập học ở nhiều trường THPT tại Tp.HCM đã xảy ra trong nhiều năm nay.

Điều đó cho thấy công tác tư vấn của các nhà trường, giáo viên bậc THCS cũng như tư duy, quan niệm của phụ huynh khi đăng ký nguyện vọng trong thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa thực sự sâu sát.

Một bộ phận không nhỏ phụ huynh học sinh vẫn còn xem nhẹ nguyện vọng 2, 3, đặc biệt là nguyện vọng 3 khi đăng ký "cho có" chứ không xác định học.

“Ở góc độ này, ngành giáo dục cần phải có những ràng buộc với học sinh khi đăng ký nguyện vọng 2, 3, với các yêu cầu “cứng” về khoảng cách địa lý khi các em đặt nguyện vọng này, để đảm bảo không xảy ra chuyện trúng tuyển mà vì xa xôi rồi bỏ không học.

Bởi hầu hết các trường vùng ven “vắng bóng” học sinh đều là các em trúng tuyển vào trường qua nguyện vọng 2, 3 chứ ít em trúng tuyển nguyện vọng 1”, ông Ngai chỉ ra.

Về lâu dài, ông Ngai cho rằng ngành giáo dục cần có những tính toán xa hơn về các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh. Ở các trường xa xôi, vùng ven nên được đầu tư xây dựng thêm khu nội trú cho học sinh ở xa để thuận lợi các em học tập.

Đánh giá lại công tác tư vấn

Thống kê của Sở GD&ĐT Tp.HCM cho biết, kết quả tuyển sinh lớp 10 tại Tp.HCM năm 2023 đạt 99% chỉ tiêu với số hơn 77.000 chỉ tiêu cần tuyển ở 108 trường THPT công lập.

Về vấn đề học sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, đại diện Sở GD&ĐT Tp.HCM khẳng định sẽ không hạ điểm chuẩn, cũng không tuyển bổ sung để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong các kỳ tuyển sinh vào lớp 10 về sau, ngành giáo dục sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tư vấn học sinh đăng ký nguyện vọng, đặc biệt là học sinh đăng ký vào các nguyện vọng xa nơi cư trú, để đảm bảo các em có điều kiện học tập thuận lợi nhất sau khi trúng tuyển.

Bạn đang đọc bài viết ""Học sinh ảo” sau thi tuyển lớp 10: Hạ điểm chuẩn hay tuyển bổ sung?" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833