Giảm đau ung thư giai đoạn cuối: Để giấc ngủ người bệnh trọn vẹn, bình yên

04/08/2023 09:13

() - Những cơn đau dai dẳng là nỗi ám ảnh với bệnh nhân ung thư (K) giai đoạn cuối và người thân. Nhờ sự phát triển của y học, phương pháp can thiệp điện quang dần phổ biến và giúp kiểm soát đau ở bệnh nhân K giai đoạn cuối.

Đây là kỹ thuật mang giá trị nhân đạo lớn với bệnh nhân K trong những ngày tháng kề cận cửa tử.

Không chỉ nỗi đau của người sẽ đi, mà còn là những ám ảnh cho người ở lại

Không thể ăn, không thể ngủ, không muốn sống - chỉ đơn giản là người bệnh đang tồn tại cùng với những cơn đau hành hạ từng ngày.

"Những cơn đau dường như không dứt, đau tận xương tủy. Tôi chỉ ước bớt đau một chút, để có thể thong thả chơi đùa với con", tâm sự của anh Hiếu (45 tuổi) - bệnh nhân K đại tràng giai đoạn cuối.

Hầu hết, những bệnh nhân K giai đoạn cuối sẽ bị dày vò đến tận cuối đời bởi những cơn đau. Khối u lớn chèn ép, xâm lấn vào các cơ quan, các tế bào K đã di căn theo đường mạch máu, hệ bạch huyết… Cơn đau kéo dài khiến người bệnh không ăn, không ngủ và không thể sinh hoạt như người thường.

Lúc này, cái chết không còn đáng sợ; mà chính sự "sống không bằng chết" đã vắt kiệt những sức lực cuối cùng của họ. Mơ ước được sống những ngày cuối đời nhẹ nhàng, an yên là điều xa xỉ với bệnh nhân K giai đoạn cuối.

Giảm đau ung thư giai đoạn cuối: Để giấc ngủ người bệnh trọn vẹn, bình yên - 1

Bệnh nhân K thường bị dày vò đến cuối đời bởi những cơn đau (Ảnh: BV Hồng Ngọc).

Với người ở lại, hằng ngày chứng kiến người thân yêu của mình bị hành hạ bởi những cơn đau là một cảm giác rất tồi tệ.

Đó không chỉ là xót xa, mà còn là sự bất lực, nỗi day dứt,… Điều đó tác động xấu tới tinh thần và gây ra tổn thương sâu sắc cho người ở lại. Với nhiều người, ám ảnh đó còn có thể đeo bám họ đến cuối đời…

Chị L.A - vợ bệnh nhân Hiếu chia sẻ: "Những cơn đau của chồng ám ảnh tôi cả vào trong giấc ngủ. Lúc nhìn thấy anh quằn quại, tôi lực bất tòng tâm. Bởi biết anh đau đớn đấy, nhưng chẳng có cách nào giúp. Nhiều lúc ước, giá như mình có thể gánh giúp anh phần nào nỗi đau thì có lẽ tâm sẽ bình an hơn. Cảm giác bất lực dường như hút cạn sinh lực tôi.

Ước mong lớn nhất của tôi giờ phút này là có một điều kỳ diệu giúp anh bớt đau, để một lần giấc ngủ của anh được trọn vẹn", chị L.A nói.

Can thiệp điện quang (CTĐQ) - Phương pháp giảm đau cho bệnh nhân K giai đoạn cuối

Anh Đức Hiếu - bệnh nhân K đại tràng giai đoạn cuối tiếp nhận phương pháp giảm đau bằng ĐQCT tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Hồng Ngọc, sau khi liên tiếp bị hành hạ bởi những cơn đau, mà các phương pháp giảm đau bình thường không đáp ứng.

Không phẫu thuật, không gây mê, sau 20 phút, anh Hiếu cảm thấy cơn đau dịu dần và gần như biến mất.

Phóng sự giảm đau cho bệnh nhân K giai đoạn cuối bằng phương pháp ĐQCT

"Chồng tôi bắt đầu ăn được, ngủ được và động lực tiếp tục được sống bắt đầu trở lại: anh vui hơn, hay cười và có nhiều dự định", vợ bệnh nhân Hiếu chia sẻ.

Theo TS.BS. Trịnh Tú Tâm - Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp điện quang, BV Đa khoa Hồng Ngọc, ĐQCT trong giảm đau K là một phương pháp mà bác sĩ sẽ sử dụng những thiết bị nhỏ (như kim tiêm, ống dẫn) để bơm thuốc giảm đau trực tiếp vào vị trí chính xác nơi có các dây thần kinh hay đám rối dẫn truyền cảm giác đau, bằng sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, cắt lớp vi tính hoặc màn tăng sáng.

Thông thường, giảm đau bằng ĐQCT được chỉ định cho những bệnh nhân K giai đoạn cuối, không hoặc ít đáp ứng với các phương pháp giảm đau thông thường.

Ưu điểm của phương pháp này là không gây mê, không mất máu, thời gian tiến hành nhanh và hiệu quả thường có ngay sau thủ thuật. Điều này là cần thiết, bởi các bệnh nhân K giai đoạn cuối, tình trạng sức khỏe kém, suy kiệt, khó có thể tiếp nhận các can thiệp lớn.

Sau khi can thiệp bằng phương pháp này, hiệu quả giảm đau có thể kéo dài đến vài tháng. Thuốc giảm đau sẽ được giảm liều lượng, góp phần giảm chi phí và tác dụng phụ của thuốc đối với người bệnh.

"Nếu ngày trước đau 10 phần, thì sau khi giảm đau bằng ĐQCT, tôi cảm giác còn đau 3-4 phần", anh Hiếu chia sẻ thêm.

Giảm đau ung thư giai đoạn cuối: Để giấc ngủ người bệnh trọn vẹn, bình yên - 2Giảm đau bằng ĐQCT: không phẫu thuật, không gây mê, tác dụng nhanh (Ảnh: BV Hồng Ngọc).

BS. Trịnh Tú Tâm cho biết, ĐQCT trong giảm đau K giai đoạn cuối là một phương pháp mang tính nhân văn với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Khi những cơn đau được giảm nhẹ hoặc khống chế, chất lượng cuộc sống tốt hơn, bệnh nhân sẽ lạc quan, có động lực để chiến đấu với bệnh tật. Mặc dù biết việc điều trị K đến giai đoạn cuối là không thể, nhưng bệnh nhân có quyền được chăm sóc giảm nhẹ, để những ngày cuối của cuộc đời trôi qua trong nhẹ nhàng.

"Ai cũng có quyền được sống trọn vẹn với từng phút giây trong đời, bệnh nhân K giai đoạn cuối cũng vậy, họ cũng cần sống ý nghĩa dẫu thời gian không còn bao lâu. Và người ở lại cũng có quyền được sống thanh thản cho những tháng ngày về sau.

Hình ảnh đọng lại nhiều nhất, tiếp thêm nhiều động lực cho tôi trong quá trình làm nghề - là những nụ cười thật tươi của những bệnh nhân K giai đoạn cuối, khi được giảm đau thành công", bác sĩ Tâm chia sẻ.

Bạn đang đọc bài viết "Giảm đau ung thư giai đoạn cuối: Để giấc ngủ người bệnh trọn vẹn, bình yên" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833