Dự thảo Luật Giao dịch điện tử: Còn nhiều tranh cãi

15/07/2022 15:00

Tại Dự thảo Luật lần 3, vẫn còn điểm khiến các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng chưa phù hợp, đặc biệt là vấn đề kết nối và cung cấp thông tin.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào ngày 14/7, với sự tham gia đóng góp ý kiến từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, chuyên gia, doanh nghiệp.

Phù hợp chuẩn mực thế giới

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT cho biết, để xây dựng Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), từ đầu năm đến nay, Bộ đã tiến hành xin ý kiến, phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức 6 hội thảo tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà quản lý, cộng đồng doanh nghiệp. 

Chính sách - Dự thảo Luật Giao dịch điện tử: Còn nhiều tranh cãi

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách điều hành, Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ TTTT tại Hội thảo

Tới nay, đã là Dự thảo thứ 3 với 8 chương và 60 điều, chỉnh sửa sau nhiều lần tiếp nhận ý kiến. Từ đó, đại diện Bộ TTTT bày tỏ mong muốn: “Khi đóng góp ý kiến doanh nghiệp, chuyên gia hãy thử đóng vai mình vào vị trí cơ quan quản lý Nhà nước để xem tại sao lại quy định như vậy. Nếu xét, hãy xét cả bộ Luật, không nên chỉ nhìn vào một số điều, khoản nhất định".

Từ đó, tất cả cùng nhau xây dựng hướng tới một hành lang pháp lý thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia, phát triển môi trường số một cách an toàn, tin cậy, thuận tiện cho doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, tạo điều kiện phát triển chung cho doanh nghiệp, xây dựng sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Ông nhấn mạnh thêm: “Luật Giao dịch điện tử sửa đổi hiện nay được xây dựng trên cơ sở kế thừa có chọn lọc, đồng thời sửa đổi, bổ sung các nội dung mới phù hợp với các chuẩn mực chung của thế giới, đáp ứng yêu cầu phát triển của công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến được nêu ra trong buổi Hội thảo về sự chưa phù hợp với phạm vi và mục tiêu chung của luật ở một số điểm, đặc biệt từ góc độ doanh nghiệp, vẫn còn điểm chưa hợp lý với thực tiễn và quyền của doanh nghiệp.

Tranh cãi Điều 54

Cụ thể, về trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin. Theo ông Trần Đăng Quang, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), tại Dự thảo 03, mặc dù phần lớn các quy định về nền tảng số, dịch vụ số đã được loại bỏ, song vẫn giữ lại một số quy định về nghĩa vụ của các nền tảng số dựa trên quy mô là chưa thực sự phù hợp.

Ví dụ như, yêu cầu chủ quản nền tảng số có lượng người sử dụng tại Việt Nam hoạt động hàng tháng từ 10 triệu trở lên hoặc có số lượng truy cập hàng tháng là người sử dụng Việt nam từ 100 triệu trở lên trong liên tục 6 tháng, có trách nhiệm công bố công khai thuật toán sử dụng để khuyến nghị, hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo cho người dùng và cho phép ngừoi dùng sử dụng không sử dụng khuyến nghị, hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo dựa trên phân tích dữ liệu về người dùng.

“Ban soạn thảo nên cân nhắc các quy định về nghĩa vụ sao cho phù hợp hơn", ông Quang nêu quan điểm.

Mặt khác, nên bổ sung quy định về nghĩa vụ (cơ chế tiếp nhận báo cáo từ người dùng về thông tin vi phạm, gỡ bỏ thông tin vi phạm, bảo vệ dữ liệu cá nhân, người sử dụng dịch vụ), giới hạn trách nhiệm (không tiếp cận nội dung giao dịch) của chủ quản hệ thống thông tin.

Chính sách - Dự thảo Luật Giao dịch điện tử: Còn nhiều tranh cãi (Hình 2).

Nhiều đại diện cho rằng, việc quy định doanh nghiệp cần công bố thuật toán hay cung cấp thông tin, thực hiện kết nối... là chưa phù hợp

Ngoài ra, tại quy định về thực hiện kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan Nhà nước theo quy định của Luật này và luật liên quan.

Đại diện từ USABC (Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN) cho rằng, điều này khả thi với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng với các nền tảng hoạt động ở nhiều quốc gia, việc kết nối, cung cấp thông tin, số liệu báo cáo hoạt động với hệ thống giám sát quản lý Việt Nam còn chịu sự điều chỉnh của pháp luật các nước khác.

Bên cạnh đó, trong trường hợp có xung đột về phán quyết tài phán, việc tuân thủ luật pháp các nước này đồng nghĩa với việc vi phạm pháp luật nước khác, khiến quy định trở nên không khả thi.

Mặt khác, việc chia sẻ thông tin, dữ liệu đối với doanh nghiệp là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt đối với những doanh nghiệp/ Tập đoàn công nghệ lớn.

Do vậy, USABC đề xuất bỏ hoặc sửa lại quy định này theo một trong hai hướng. Thứ nhất, nêu rõ chỉ áp dụng với các hệ thống thông tin ở Việt Nam. Hoặc thứ hai, thêm câu: “đồng thời đảm bảo việc cung cấp thông tin và báo cáo số liệu không vi phạm luật pháp tại quốc gia nơi đăng ký thành lập chủ quản hệ thống thông tin”.

Ngoài ra, vấn đề mà các doanh nghiệp cũng rất quan tâm là hợp đồng và chữ ký số. Theo đó, Dự thảo đã khẳng định tính hợp pháp của giao dịch điện tử và việc sử dụng các công cụ điện tử trong các giao dịch, đồng thời các điều khoản trong Dự thảo đã tập trung điều chỉnh các hình thức điện tử của giao dịch như chữ ký số, chứng thư số, hợp đồng điện tử và thông điệp điện tử.

Sau buổi hội thảo, các ý kiến đóng góp sẽ được Bộ TTTT giao VCCI tổng hợp và gửi các cơ quan liên quan. Dự kiến Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ và đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10 tới.

Bạn đang đọc bài viết "Dự thảo Luật Giao dịch điện tử: Còn nhiều tranh cãi" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833