Chuyển giao bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý: Cần giải pháp phù hợp

04/08/2023 09:13

() - Thời gian qua, dự thảo luật Thủ đô (sửa đổi) đang được bàn thảo. Trong đó, nội dung về việc chuyển giao các bệnh viện trung ương trên địa bàn về cho TP quản lý nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, Ban soạn thảo dự án luật đưa ra 2 phương án:

Phương án 1: Không quy định nội dung này tại dự thảo luật. 

Phương án 2: Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện của các trường đại học. 

Việc chuyển giao các bệnh viện thuộc hạng đặc biệt, các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành thuộc Bộ Y tế thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quyết định.

Cần giải pháp phù hợp và khả thi nhất

GS.TS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, trên thế giới, Bộ Y tế và các bộ khác có chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên môn nên không phổ biến việc duy trì các bệnh viện trực thuộc các bộ. Họ thường chỉ phân định hệ thống y tế công lập và ngoài công lập.

Chuyển giao bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý: Cần giải pháp phù hợp - 1

GS.TS Tạ Thành Văn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội (Ảnh: HMU).

"Tuy nhiên, chúng ta muốn làm như thế giới, cần phải tiến hành đánh giá khoa học về mô hình hiện tại, xem có gì hạn chế, cần khắc phục hay cần khuyến khích", GS Văn nhấn mạnh.

Theo ông, thực tiễn ở nước ta có nhiều khác biệt với các nước về trình độ phát triển, văn hóa, xã hội, nên Việt Nam đang thực hiện mô hình Bộ Y tế quản lý các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành. Mô hình này đã và đang phát huy đặc biệt hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe. 

Ở Việt Nam, các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cả nước, còn được Bộ Y tế giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể gồm đào tạo, chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế, cập nhật các kỹ thuật hiện đại của thế giới, hỗ trợ các địa phương trong dịch bệnh, thảm họa… 

Các cơ sở y tế này đã phát huy vai trò chủ đạo, tính dẫn dắt về chuyên môn, khoa học công nghệ y tế, chỉ đạo tuyến đối với toàn bộ hệ thống y tế Việt Nam.

Điển hình, trong thời gian chống dịch Covid-19 hay khi xảy ra các thảm họa, thiên tai, Bộ Y tế đã chủ động điều động kịp thời các cơ sở y tế trực thuộc Bộ chi viện cho các địa phương trong cả nước.

Tại buổi họp chiều 1/6 về việc sắp xếp, tổ chức lại các bệnh viện, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng nêu đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế phải thực hiện đúng, nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Trung ương là các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện, mà chuyển dần về địa phương quản lý. Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành.

"Với vai trò như vậy, nếu các bệnh viện trung ương trên địa bàn chuyển về TP Hà Nội quản lý, công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ các tỉnh về chuyên môn ở tầm quốc gia sẽ rất khó. Điều này sẽ tác động đến hệ thống y tế của toàn quốc", GS Văn nói.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý một thực tế rằng dù Hà Nội có chính sách đầu tư cho các cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội, nhưng những cơ sở này cũng khó có thể cạnh tranh được với các bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn như hiện tại.

Vì thế, Hà Nội cần có các chính sách, cơ chế sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Lý do TP mặc nhiên được hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có y tế. 

Điều này đặc biệt quan trọng, bởi riêng Hà Nội mới có sự ưu đãi đặc biệt này. Dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào trực thuộc trung ương, nhưng một khi ở trên địa bàn Hà Nội, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội.

"Vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau dựa trên các căn cứ khác nhau. Vấn đề là chúng ta cần có giải pháp phù hợp và khả thi nhất với điều kiện và hoàn cảnh của Hà Nội và Việt Nam", GS Văn chia sẻ. 

Ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội cũng cho rằng: "Theo tôi là không nên chuyển bệnh viện trung ương về cho Hà Nội quản lý mà nên để ngành y tế quản lý về chuyên môn". 

Theo ông, nhiệm vụ của tuyến cao nhất là chuyển giao kỹ thuật cho các địa phương. Ví dụ nếu chuyển bệnh viện trung ương về cho Hà Nội quản lý thì muốn chuyển giao kỹ thuật cho Nghệ An hay một địa phương nào thì lại phải xin ý kiến của Hà Nội".

Các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia

Phát biểu tại hội thảo góp ý dự thảo luật Thủ đô sửa đổi gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, việc chuyển các bệnh viện của trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 

Theo ông, Nghị quyết 19 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017 quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành cơ quan nhà nước trung ương về địa bàn quản lý.

Việc này không áp dụng cho các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.

Chuyển giao bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý: Cần giải pháp phù hợp - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (Ảnh: TTXVN).

Như vậy, các bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo Nghị quyết 19. 

Các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. 

Thứ trưởng đề nghị TP Hà Nội tính toán lại năng lực quản lý của mình. TP quản lý 42 bệnh viện công, 43 bệnh viện tư, 579 trung tâm y tế xã phường và gần 3.900 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, chưa kể hàng nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh dược, trang thiết bị.

"Như vậy, việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, đặc biệt trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế còn đang rất mỏng", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh.

Vì thế, Thứ trưởng đề nghị đưa ra khỏi dự thảo luật quy định trên.

Bộ Y tế hiện quản lý bao nhiêu bệnh viện?

Bộ Y tế hiện có 34 bệnh viện trực thuộc đang đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh tuyến cuối, chỉ đạo tuyến, đào tạo nhân lực y tế; nghiên cứu, phát triển các kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán và điều trị mới; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật…

Theo dự thảo đề án tổng thể sắp xếp lại bệnh viện trực thuộc Bộ, Bộ Y tế chỉ giữ lại các bệnh viện đầu ngành, đảm nhận vai trò ứng phó và hỗ trợ chuyên môn cấp quốc gia; có năng lực thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới; tiếp nhận và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến…

Một số bệnh viện chuyên khoa hiện tại chưa đạt tiêu chí của bệnh viện đầu ngành nhưng thuộc một số lĩnh vực chuyên khoa ưu tiên cần được tiếp tục đầu tư về nguồn lực để phát triển các kỹ thuật chuyên khoa chuyên sâu.

Việc này nhằm đáp ứng sự thay đổi của mô hình bệnh tật, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới y tế tuyến chuyên sâu, kỹ thuật cao.

Dự kiến, Bộ Y tế sẽ còn 30 bệnh viện trực thuộc. Cụ thể, theo hạng, có 5 bệnh viện hạng đặc biệt, 28 bệnh viện hạng I, 1 bệnh viện hạng II (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam).

3 bệnh viện được tổ chức lại thành bệnh viện thực hành hoặc sáp nhập với bệnh viện khác trực thuộc Bộ Y tế, chuyển 1 bệnh viện về địa phương quản lý. 

Bạn đang đọc bài viết "Chuyển giao bệnh viện trung ương cho Hà Nội quản lý: Cần giải pháp phù hợp" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833