Chương trình GDPT 2018: Biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập

04/08/2023 00:24

Việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.

Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội đã có kết luận sau khi phiên làm việc với Chính phủ về chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

Theo đó, Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo, giải trình của Chính phủ và các Bộ liên quan về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội.

Giá, chi phí phát hành sách giáo khoa còn cao

Tuy nhiên, việc triển khai đổi mới Chương trình GDPT còn những hạn chế, bất cập như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện ở một số cấp ủy Đảng, chính quyền có lúc chưa kịp thời. Một số văn bản hướng dẫn triển khai ban hành chậm, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện. Công tác tuyên truyền, quán triệt chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn đầu chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Đoàn giám sát đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, phạm vi còn hạn chế, nhiều sai sót chưa được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Việc tổ chức thực hiện Chương trình GDPT 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Giáo dục - Chương trình GDPT 2018: Biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập

Chiều 27/7, Đoàn giám sát của UBTV Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" làm việc với Chính phủ.

Hoạt động biên soạn, thẩm định sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Cụ thể, trong việc quản lý, phát triển nội dung sách giáo khoa; quản lý giá sách giáo khoa; thực hiện chính sách xã hội với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, trang bị sách tại thư viện trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo.

Quy định về lựa chọn sách giáo khoa chưa chặt chẽ, thống nhất; giá sách, chi phí phát hành (chiết khấu) sách giáo khoa còn cao; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu.

Công tác tổng hợp, đánh giá hiệu quả các nguồn kinh phí còn hạn chế, chưa rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong phối hợp triển khai thực hiện; việc huy động kinh phí từ xã hội chưa đạt yêu cầu.

Theo đó, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình đối với ý kiến của Đoàn giám sát (và đại diện các cơ quan, bộ, ngành trao đổi tại cuộc làm việc về: Đánh giá tổng quát về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội.

Trong đó, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện các báo cáo gửi Đoàn giám sát trước ngày 4/8/2023 để Đoàn giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức tổ chức giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2023.

Giáo dục - Chương trình GDPT 2018: Biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập (Hình 2).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.

Giải quyết thực trạng quá tải, thiếu lớp học

Trong thời gian tới, để bảo đảm tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm một số nội dung.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra việc phối hợp triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương; rà soát cơ chế, chính sách, hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá toàn diện về cơ cấu, thực trạng, nhu cầu phát triển đội ngũ giáo viên trong thời gian tới và có giải pháp phù hợp, kịp thời để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo viên và nguồn tuyển giáo viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Quan tâm chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng quá tải, thiếu lớp học, trường học ở các thành phố lớn và dự báo nhu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp giúp các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện.

Tiếp tục ưu tiên, thực hiện nghiêm việc bố trí ngân sách cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước ở trung ương và các địa phương; bố trí đầy đủ kinh phí triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách xã hội hóa, nhất là việc huy động thêm các nguồn lực hợp pháp đầu tư cho giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục phổ thông nói riêng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Bạn đang đọc bài viết "Chương trình GDPT 2018: Biên soạn, thẩm định SGK còn nhiều bất cập" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833