Vụ mía 2024 đang đến gần, các doanh nghiệp mía đường và nông dân trong nước đang loay hoay trước các quy định hạn chế việc nhập khẩu mía qua các cửa khẩu phụ. Điều này không chỉ làm tăng áp lực lên các cửa khẩu chính mà còn gây chậm trễ trong quá trình lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng mía nguyên liệu và các sản phẩm nông nghiệp liên quan.
Thiếu thống nhất trong quy định – Ngành mía đường chưa thể phát triển bền vững
Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong ngày 21 và sáng 22/8, UBTVQH tổ chức trả lời chất vấn đối với 2 nhóm lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch; Tư pháp, nội vụ, an ninh trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát. Trong đó, vấn đề nổi cộm về tháo gỡ các khó khăn cho phép mặt hàng mía cây được nhập khẩu qua cửa khẩu phụ vẫn đang chờ lời giải từ Bộ Công Thương cùng các Tổ chức liên quan. Lý do theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra là theo quy định hiện hành, mía cây không thuộc danh mục hàng hóa được phép mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới (cụ thể tại Thông tư 01/2018/TT-BTC của Bộ Công thương, ngày 27/02/2018 chưa có quy định). Để đảm bảo bình ổn thị trường, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các Bộ ngành về nội dung này, tuy nhiên vẫn còn nhiều nhận định trái chiều.
Đại diện cho Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tây Ninh, đại biểu Trần Hữu Hậu kiến nghị cần sớm có giải pháp tháo gỡ các rào cản này trước khi vào vụ mới trong tháng 11 sắp tới. Việc chỉ cho phép nhập khẩu mía qua các cửa khẩu chính sẽ tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng cho ngành mía đường, từ việc gia tăng chi phí và thời gian vận chuyển đến mất mát về chất lượng hàng hóa do giảm trữ đường nguyên liệu, gây lãng phí nguồn lực. Kéo theo sự tắc nghẽn nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất liên đới và gây thiệt hại về kinh tế cho cả doanh nghiệp lẫn người nông dân. Mía là nguyên liệu dễ hỏng, nếu không được thông quan kịp thời sẽ làm giảm chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất thành phẩm.
Riêng về vướng mắc nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu phụ nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ĐBQH Hữu Hậu cho biết điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đang hợp tác hay thuê đất trồng mía tại Campuchia theo chủ trương đã được Chính phủ hai nước cho phép. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến ý nghĩa của chương trình hợp tác hữu nghị mang tính đối ngoại, quốc phòng, an ninh của Tây Ninh với các tỉnh giáp biên.
Cụ thể, từ 2012, diện tích trồng mía tại tỉnh Tây Ninh sụt giảm qua các năm do cạnh tranh với sắn (mì) và cao su có giá trị cao hơn. Chính phủ đã chấp thuận việc các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tỉnh Tây Ninh trồng mía ở Campuchia, thực hiện theo “Chương trình hợp tác giữa Tây Ninh và các tỉnh giáp biên của Vương quốc Campuchia”; và Thông tư số 201/2012/TT-BTC ngày 16/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách thuế đối với hàng nông sản chưa qua chế biến do phía Việt Nam hỗ trợ đầu tư, trồng tại Campuchia nhập khẩu về nước (nay được quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 của Chính phủ).
Theo đó, người dân đã đầu tư trồng mía bằng hình thức mang vốn, giống cây trồng, phân bón, con người sang canh tác trên các khu vực đất còn trống thuộc các tỉnh giáp biên. Đến cuối vụ, họ đưa phương tiện và nhân công sang Campuchia thu hoạch, vận chuyển mía về Tây Ninh, cung cấp cho các nhà máy sản xuất, chế biến trên địa bàn Tây Ninh. “Do đó, về bản chất không phải là hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới theo hoạt động thương mại. Việc không cho mía cây qua cửa khẩu phụ là không có ý nghĩa khi vẫn được phép qua cửa khẩu chính và quốc tế. Chúng ta cần linh động để giảm bớt các quy định không phù hợp để bảo vệ nông dân trồng mía”, vị Đại biểu cho biết.
Giải pháp nào tháo gỡ khó khăn?
Trước ý kiến của Hiệp hội Mía Đường Việt Nam (VSSA) cho rằng kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh tại văn bản Số 4250/UBND-KT về nhập khẩu mía cây qua cửa khẩu phụ tại tỉnh Tây Ninh và bổ sung mặt hàng mía cây vào danh mục hàng hóa nhập khẩu là “không phù hợp” và có dấu hiệu của hành vi trốn thuế - ĐBQH Trần Hữu Hậu nhấn mạnh mặt hàng mía cây từ Campuchia nhập vào Việt Nam không chịu bất cứ loại thuế nào.
Bộ Quốc phòng trong ý kiến gửi Bộ Công Thương ghi rõ: “Các cửa khẩu: Vạc Sa, Vàm Trảng Trâu, Long Phước là loại hình của khẩu phụ,... hiện nay, đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước tại cửa khẩu”. Như vậy, dù qua cửa khẩu phụ, mía cây vẫn làm đầy đủ thủ tục như tại cửa khẩu chính và quốc tế; có điều kiện ngăn ngừa hành vi gian lận thương mại.
Từ cơ sở đó, Bộ Công thương có thể xem xét cho phép Tây Ninh (vận chuyển mía) mà không cần chờ sửa nghị định trong thời gian cụ thể. Theo Khoản c, Điều 3, Thông tư số 01/2018/TT-BCT của Bộ Công Thương Hướng dẫn thực hiện NĐ 14/2018/NĐ-CP, UBND tỉnh có thể đề nghị và Bộ Công thương có thể cho phép hàng hóa nằm ngoài danh mục được phép nhập khẩu qua cửa khẩu phụ trong thời gian cụ thể. Thời gian cụ thể để vận chuyển mía cây từ Campuchia về nhà máy là từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, phù hợp với điều kiện cho trường hợp “ngoại lệ” nói trên.
Đồng tình với kiến nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về vấn đề này, Bộ Tài chính trong tháng 5/2024 đã có văn bản Số 4696/BTC-TCHQ nhất trí và đề nghị Bộ công thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vào danh mục hàng hóa nhập khẩu đối với mặt hàng mía cây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho rằng Bộ Công Thương nên xem xét cung cầu trong nước để cho phép nhập khẩu mặt hàng mía cây để phục vụ sản xuất, vừa đảm bảo thị trường, vừa bảo vệ, thúc đẩy ngành sản xuất mía đường nội địa, hài hoà lợi ích của người trồng mía.
Gốc rễ phải bắt đầu từ việc bảo vệ quyền lợi người nông dân
Theo VSSA, niên vụ ép 2023-2024 dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, công suất thiết kế trên 122.200 tấn mía/ngày. Nguyên liệu cần cho các nhà máy hoạt động khoảng trên 18 triệu tấn/vụ. Tuy nhiên, số liệu thống kê năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, diện tích trồng mía cả nước khoảng 175.000 ha, sản lượng mía dự kiến thu hoạch chỉ là gần 12 triệu tấn. Vậy để đảm bảo cho các nhà máy hoạt động theo công suất thiết kế thì cần bổ sung khoảng 6.5 triệu tấn/vụ, tương đương lượng mía nguyên liệu còn thiếu 1/3 công suất chế biến. Trong khi đó, dự kiến sản lượng mía sẵn sàng vận chuyển từ Campuchia về Tây Ninh trong vụ thu hoạch 2024-2025 sắp tới khoảng 350.000 tấn, giải quyết được gần 5,4% đóng góp cho số nguyên liệu bổ sung.
Thực tế, bài toán thiếu hụt nguyên liệu chỉ là một phần của chuỗi thiếu đường phục vụ giai đoạn “giáp hạt” làm nguyên liệu sản xuất. Vấn nạn cung “lệch” cầu đường tiêu thụ trong nước vẫn diễn ra hàng năm không có lời giải. Cao điểm nhất là thời điểm tháng 8 – tháng 12, nhu cầu cả nước thường cao hơn khoảng 30% khi vào vụ sản xuất thực phẩm phục vụ các lễ hội lớn trong năm như Trung thu, Tết Nguyên Đán. Theo số liệu mới đây từ VSSA, sản lượng mía đường Việt Nam trong vụ 2023-2024 đạt 1.028 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam rơi vào mức 2.389 triệu tấn theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, nghĩa là sản lượng đường sản xuất trong nước cho đến nay chỉ đáp ứng được 43.03% so với thực thế. (*Trích Báo cáo phân tích ngành Đường – thuộc báo cáo của Bộ phận nghiên cứu Ngành Tài chính & Tiêu dùng của Kirin Capital)
Chưa tính đến bài toán tồn kho nguyên liệu gối đầu để đảm bảo an ninh lương thực, tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu mía là vấn đề có thể thấy trước được khi nhu cầu đường công nghiệp của các ngành sản xuất nước giải khát, bánh kẹo, chế biến thực phẩm liên tục tăng nhưng diện tích vùng nguyên liệu lại giảm mạnh. Trước các tác động kép từ biến đổi khí hậu, ENSO chuyển từ El Nino sang La Nina gây mưa bão, lũ lụt khó kiểm soát, cộng thêm áp lực cạnh tranh với đường nhập lậu,… mọi nguồn lực đầu vào cho ngành sản xuất mía đường hiện tại và lâu dài, đều không thể bị lãng phí.
Quay lại việc nhanh chóng cho phép thông quan mía qua các cửa khẩu phụ, hỗ trợ tối ưu hóa quá trình vận chuyển, đảm bảo chất lượng nguyên liệu và giảm chi phí. Chính sách này nếu được thông qua sẽ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp mà còn giúp bảo vệ quyền lợi của người nông dân, giảm bớt gánh nặng lưu thông hàng hoá để tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành mía đường bền vững. Đồng tình với quan điểm cho nhập khẩu trong ngắn hạn nguyên liệu mía để làm đường, duy trì sản xuất trong nước là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đang khẩn trương thống nhất thông tin để có những đề xuất phù hợp.
Bài toán “gỡ khó” cho mía cây nhập khẩu về nước đang cần lời giải cấp bách hơn bao giờ hết để đảm bảo sự ổn định cho chuỗi cung ứng nông sản và sản phẩm nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống cho hàng nghìn hộ nông dân trồng mía trên cả nước.