Giải chạy 320 km xuyên hầm trong bóng tối

03/03/2023 22:06

AnhThe Tunnel Ultra 200 - giải chạy với cung đường lặp trong đường hầm tối - được các runner mô tả là "thử thách cực đại cả về thể chất lẫn tinh thần".

Địa điểm tổ chức The Tunnel là đường hầm tàu hỏa bỏ hoang dài 1,6 km tại thành phố Bath, Tây Nam Anh quốc. Giải thường bắt đầu lúc 16h một ngày thứ Sáu trong tháng 3, và cuộc đua năm 2023 sẽ diễn ra từ 31/3 đến 2/4.

Runner dự thi sẽ chạy qua lại trong đường hầm phẳng cho đến khi tích lũy đủ 320 km (200 dặm) với giới hạn thời gian là 55 giờ. Họ không được sử dụng tai nghe, gậy, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mốc COT (thời gian cắt loại) là 27h30 phút, các runner không hoàn thành 160 km kịp mốc này sẽ phải dừng cuộc thi.

Đường hầm gần như không có ánh sáng và mở cửa cho cả khách bộ hành lẫn người đi xe đạp, do đó, vận động viên được yêu cầu phải có đèn đội đầu và các đồ dùng dễ thấy hoặc thiết bị phản quang. Người đăng ký cũng cần cung cấp kết quả một giải chạy 160km từng tham gia.

Một runner trong cuộc thi The Tunnel. Ảnh: Chia Charge

Một runner trong cuộc thi The Tunnel. Ảnh: Chia Charge

"Tôi có thể chọn ngồi sofa xem tivi cùng vợ con, hoặc lao mình vào một đường hầm ẩm ướt, mệt mỏi dù phải đi làm vào thứ Hai", Guy Bettinson, vô địch The Tunnel 2020, nói. "Và rồi tôi đẩy bản thân vào đau khổ". Runner 45 tuổi này về nhất với thời gian 43 giờ 6 phút 17 giây và đang giữ kỷ lục giải.

"Thật vô nghĩa. Bạn chỉ đi qua lại giữa A và B, khiến giải trở thành một thử thách tinh thần khổng lồ", Andy Persson, 57 tuổi, một trong số tám người về đích năm 2020, chia sẻ. Anh hoàn thành 200 dặm trong 53 giờ 54 phút 22 giây.

The Tunnel do Mark Cockbain, 50 tuổi, runner đường dài người Anh từng hoàn thành hàng loạt thử thách sức bền như giải Trans 333 km xuyên sa mạc Sahara, tổ chức lần đầu năm 2019. "Tôi thích những thứ có yếu tố bí ẩn. Và ngay khi được chính quyền cho phép sử dụng đường hầm, tổ chức một giải chạy tàn khốc là chuyện không cần phải bàn", ông nói.

Ngủ hay không ngủ?

Vậy làm thế nào để runner vượt qua những trở ngại về tâm lý, tinh thần và cảm xúc trong hành trình chinh phục The Tunnel? "Điều duy nhất bạn cần nghĩ đến là di chuyển, ăn, uống, ngủ và đi vệ sinh. Đó là những thứ đáng quan tâm", Max Newton, 49 tuổi, về đích năm 2020 trong 50 giờ 42 phút 6 giây, nói. "Mọi thứ khác xung quanh đều vô nghĩa".

Mike Raffan, 43 tuổi, về đích năm 2021 trong 52 giờ 49 phút, chia sẻ chiến thuật của anh đơn giản "là nỗ lực 100%". Lời khuyên này càng có sức nặng khi Raffan đã chạy 182 dặm (293 km) trong 42 giờ ở sân vườn nhà anh chỉ ba tháng sau một ca phẫu thuật tim hở năm 2020. Tại The Tunnel 2021, Raffan tiếp tục chạy trong điều kiện thiếu ánh sáng đến mức mắt anh như bị đông cứng.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc không hoàn thành The Tunnel. Trước cuộc đua, tôi nói với họ 'đừng để tôi dừng bước, trừ khi vì lý do y tế'", Raffan nói.

Christian Mauduit, runner 47 tuổi về đích năm 2021 trong 51 giờ 40 phút, có cùng cách tiếp cận. "Tôi luôn tự hỏi kiểu 'Sao mình lại làm việc này?', 'Nên đến đó không?'... khi tập luyện và trước khi bắt đầu cuộc đua. Nhưng khi đã vào chạy, tôi chỉ hoàn thành các vòng, không còn câu hỏi nào khác".

Với Max Newton, 49 tuổi, về đích năm 2021 trong 50 giờ 42 phút, điều khó khăn nhất khi chạy 100 vòng lặp là có 100 cơ hội để dừng lại. Mauduit nhất trí, và nhấn mạnh điểm quay đầu tại đầu đường hầm là nơi khó vượt qua nhất.

Điểm quay đầu được xem là thách thức lớn nhất với các runner dự thi The Tunnel. Ảnh: Ufoot

Điểm quay đầu được xem là thách thức lớn nhất với các runner dự thi The Tunnel. Ảnh: Ufoot

"Khi quay lại vạch xuất phát, bạn có hai lựa chọn. Một là dừng lại, cơn đau vẫn bám theo nhiều giờ và bạn phải đối mặt với sự thật là mình đã bỏ cuộc. Hoặc vượt qua chính mình và viết nên lịch sử. Bạn chỉ có vài giây để quyết định. Trong The Tunnel, tôi không chạy 320 km, tôi chỉ chạy 3,2km 100 lần", Mauduit kể.

Những người đã hoàn thành cuộc đua đều có một điểm chung là giữ tâm trí luôn tích cực, yếu tố một số runner còn cho là quyết định. "Tôi tự nhủ 'mình yêu đường hầm này, và không thể tin là mình có cơ hội tham gia giải'", Persson nói.

Xung quanh không có quanh cảnh, âm nhạc hay trò chuyện, chắc chắn cuộc đua sẽ nhàm chán. Mandy Foyster, 56 tuổi, runner nữ duy nhất từng hoàn thành giải, khuyên runner nên thử làm toán trong đầu và điều này sẽ giúp họ tập trung. Foyster về đích năm 2021 trong 54 giờ 55 phút.

"Đó là một cuộc 'đại chiến' để tỉnh táo", Foyster mô tả. "Khi đến cuối đường hầm, tôi thường đứng bên ngoài tầm 10 - 15 giây. Khi cảm thấy buồn ngủ, tôi sẽ xịt nước vào mặt mình".

Một số runner có thể tranh thủ ngủ nạp năng lượng bên ngoài hầm và mong trời không mưa. Số khác coi ngủ là điều bất tiện trong cuộc đua vốn đã rất eo hẹp về thời gian, thậm chí không dám ngồi xuống nghỉ.

"Nếu dừng lại, bạn sẽ phải bắt đầu lại từ đầu và ngược lại. Do đó, tôi cứ tiếp tục di chuyển", Bettinson, từng trong quân ngũ 17 năm, nói. "Tôi có nằm xuống vài lần, nhưng khi đó là đêm thứ hai và những cơn đau khiến tôi không thể chìm vào giấc ngủ được".

Ảo giác

Hầu hết runner tham gia The Tunnel gặp tình trạng này trong hầm. "Tôi thấy một gia đình người tuyết, một con ốc sên khổng lồ và từng cảm thấy mình như ở mép vực", Karl Baxter, 51 tuổi, về đích năm 2021 trong 54 giờ 7 phút, kể lại.

Foyster lại nhìn thấy những con quái vật màu cam bay về phía cô. Với Mauduit, ảo ảnh anh gặp ngày càng nhiều và ảnh hưởng nặng nhất trong ngày cuối cùng. Ảo ảnh thậm chí còn đeo bám Persson nhiều ngày sau cuộc đua, ngay cả khi anh đã về nhà.

Một runner hoàn thành cuộc thi The Tunnel trong tình trạng gần như không mở nổi mắt. Ảnh: Runedia

Một runner hoàn thành cuộc thi The Tunnel trong tình trạng gần như không mở nổi mắt. Ảnh: Runedia

"Có giải chạy nào dễ dàng đâu, cuộc sống vốn vậy", Foyster nói. "The Tunnel là giải chạy khó nhất tôi từng trải qua. Tôi chưa bao giờ cần được giúp đỡ đến vậy".

Manduit mô tả The Tunnel là "một giải đấu tuyệt vời". Baxter có cảm giác "ở trên đỉnh thế giới" và khi kể lại cuộc đua với người khác, gương mặt anh luôn nở nụ cười. Và giờ đây, họ sẽ tìm kiếm những thử thách mới cho riêng mình.

"Chén thánh của tôi là hoàn thành một giải đấu mà tôi biết mình sẽ phải tung hết mọi thứ - ngay cả khi không về đích. Đường đua có thể dài một dặm hoặc cả nghìn dặm. Tôi vẫn đang đuổi theo nó", theo Bettinson.

Với Cockbain, mục đích của ông khá đơn giản.

"Tôi muốn họ sẽ nhớ mãi giải đấu cho đến cuối đời. Sau cùng, chúng ta được sinh ra rồi sẽ chết đi, quan trọng là bạn muốn lấp khoảng trống ở giữa thế nào. Các thành tựu sẽ luôn còn mãi".

Thùy Linh (theo BBC, Runner’s World)

Bạn đang đọc bài viết "Giải chạy 320 km xuyên hầm trong bóng tối" tại chuyên mục THỂ THAO. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833