Theo Sở Xây dựng, chủ đầu tư cần xây dựng lại phương án huy động vốn. Theo lý giải của Sở Xây dựng, tại khoản 1 Điều 43 Nghị định số 95/2025/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện huy động vốn để phát triển nhà ở thông qua việc góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân:
"Thuộc một trong các hình thức phát triển nhà ở theo dự án quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Nhà ở, trừ dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu nhà ở để chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô bán nền cho cá nhân tự xây dựng nhà ở".
Phối cảnh dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Điểm đ khoản 1 Điều 30 Luật Nhà ở 2023 quy định phát triển nhà ở theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm: "Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở".
Sở Xây dựng khẳng định nội dung phát triển nhà ở chỉ là một trong các mục tiêu phát triển của dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Như vậy, chủ đầu tư cần có giải pháp huy động vốn phù hợp.
Đối với việc thế chấp góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Sở Xây dựng cho rằng doanh nghiệp cần đảm bảo và thực hiện các quy định về quyền của người sử dụng đất. Tức là phải đáp ứng các điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất theo pháp luật về đất đai, như "sổ hồng" hợp pháp không bị tranh chấp hoặc kê biên. Nếu chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất...
Bờ biển Cần Giờ sẽ trở thành Khu đô thị hiện đại trong tương lai
Đối với hình thức và mức vốn huy động, Sở Xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư thuyết minh rõ về quy mô, cơ cấu, căn cứ để xác định mức vốn huy động cần huy động tương ứng với từng hình thức huy động vốn.
Được biết chủ đầu tư đang hoàn thiện lại hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng TP.HCM, bổ sung các thông tin được yêu cầu để triển khai dự án.