Người làm từ thiện nhiều có được giảm án khi phạm tội?

19/07/2022 13:00

Về mặt lý thuyết, khi bị cáo làm từ thiện nhiều mà có huân chương, bằng khen thì Hội đồng xét xử vẫn có quyền xem xét để xác định đó có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không, nếu có thì ghi rõ lý do.

Thời gian qua có nhiều đối tượng phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đưa ra xét xử. Tuy vậy, trước đó họ tích cực tham gia các hoạt động xã hội thiện nguyện như xây nhà tình nghĩa, trao học bổng cho học sinh nghèo, ủng hộ người dân các vùng bị thiên tai… Xin hỏi luật sư, theo quy định hiện hành, những người làm từ thiện nhiều có được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không?

Lê Hồng Phương (Hải Phòng)

Luật sư Lê Hồng Vân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Liên quan đến vấn đề này, cách đây không lâu, tại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") về tội "Cố ý gây thương tích"; luật sư của bị cáo đã đề nghị cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ có thành tích trong công tác vì làm từ thiện nhiều. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cho rằng đề nghị của luật sư là không có căn cứ. Theo tòa, hoạt động từ thiện chỉ là hoạt động xã hội, không được xem xét là "thành tích trong công tác" để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Khi xét xử một vụ án hình sự, Tòa án sẽ căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… để quyết định hình phạt. Vì vậy, với một người làm từ thiện nhiều thì để xác định người này có được giảm án hay không, cần xem xét các quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo đó, các trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51 BLHS 2015 gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác. 

BLHS 2015 cũng quy định khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Người làm từ thiện nhiều có được giảm án khi phạm tội? - 1

Lao động cải tạo tốt là một trong những tình tiết giảm án đối với người phạm tội (Ảnh: ANTĐ).

Theo Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP và Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP, "người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu học tập hoặc công tác là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua…" (Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP). Một trong các điều kiện để người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể được rút ngắn thời gian thử thách là "lập thành tích trong lao động sản xuất, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được cơ quan cấp tỉnh trở lên khen thưởng" (khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP).

Như vậy, về mặt lý thuyết, khi bị cáo làm từ thiện nhiều mà có huân chương, bằng khen thì Hội đồng xét xử vẫn có quyền xem xét để xác định đó có phải là tình tiết giảm nhẹ hay không, nếu có thì ghi rõ lý do. Mặt khác, theo quy định, khi quyết định hình phạt Tòa án sẽ căn cứ vào các quy định của BLHS, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Vì vậy, nếu bị cáo có một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng lại có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc xét thấy tính chất mức độ của hành vi vi phạm là đặc biệt nghiêm trọng thì bị can, bị cáo vẫn phải chịu mức chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Cần nói thêm rằng, thời gian qua, bên cạnh một số cá nhân làm từ thiện xuất phát từ tâm với mong muốn giúp đỡ thêm nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì vẫn còn một số đối tượng lợi dụng "chiếc áo" từ thiện nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi, coi đó như một tấm "bình phong" để phô trương thanh thế nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Thậm chí có kẻ phạm tội còn xây dựng các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ lang thang cơ nhỡ nhưng thực chất là đang lợi dụng những trẻ này để thực hiện những việc làm phạm pháp nhằm trục lợi.

Những đối tượng này không những không được xem xét giảm nhẹ hình phạt mà cần bị xử lý nghiêm khắc hơn để đảm bảo tính răn đe.

Bạn đang đọc bài viết "Người làm từ thiện nhiều có được giảm án khi phạm tội?" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833