Tập trung vào đào tạo - đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn lực

01/10/2022 01:01

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, để đạt được hiệu quả công tác đào tạo thì cần chú trọng chính sách học bổng, học phí, có cơ chế phù hợp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn mới chủ trì chương trình làm việc với một số Bộ, ngành và UBND tỉnh về nhu cầu và chính sách liên quan tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như kỳ vọng lớn của đề án này. Đề án tập trung vào đào tạo và đào tạo lại; với cốt lõi xây dựng những chương trình đào tạo triển khai ở trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong những lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, phải đổi mới chính sách, đặc biệt là cơ chế và chính sách hỗ trợ tài chính, nhằm thúc đẩy hỗ trợ cơ sở giáo dục đại học (GDĐH).

Thứ trưởng lưu ý để triển khai xây dựng, cần bắt đầu từ bước xác định nhu cầu, đặt trọng tâm trọng điểm cho những lĩnh vực, ngành cụ thể nào. Tiếp đó, đề án phải đưa ra được cơ chế cạnh tranh, hợp tác giữa các trường, viện, doanh nghiệp, hướng tới sự gắn kết đào tạo với nghiên cứu, đào tạo với doanh nghiệp và đạt chuẩn mực trình độ cao.

Giáo dục - Tập trung vào đào tạo - đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn lực

Đề án tập trung vào việc đào tạo lại.

Nhiều kinh nghiệm trong triển khai chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao có hiệu quả sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng những chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, có sự hỗ trợ của nhà nước qua cơ chế đặt hàng; đảm bảo khả thi, phù hợp điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế...

Từ đó, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị đại diện các Bộ, ngành, địa phương và chuyên gia cùng đóng góp để xác định mục đích, mục tiêu cốt lõi của đề án này và thực trạng nhu cầu.

Ưu tiên đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao

Trình bày chi tiết hơn về dự kiến xây dựng đề án, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nhiệm vụ đào tạo để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, nhằm phát triển kinh tế xã hội đất nước được nêu rõ trong các nghị quyết đã ban hành.

Đề án cũng xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết về nâng cao năng lực đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt thúc đẩy di chuyển lao động giữa Việt Nam và thị trường ASEAN cũng như khu vực; thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Dự kiến, nội dung sẽ bám sát những chỉ tiêu cụ thể đối với mỗi lĩnh vực ưu tiên đào tạo phục vụ phát triển công nghệ cao liên quan đến kiểm định, xếp hạng, số lượng người học các trình độ, công bố quốc tế…

Cùng với đó, công tác đào tạo chú trọng chính sách học bổng, học phí; cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư; các cơ sở giáo dục đại học đăng ký thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao.

Giáo dục - Tập trung vào đào tạo - đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn lực (Hình 2).

Dự án được kỳ vọng mang tính đột phá, giải quyết những chủ trương lớn.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan, Bộ, ban, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng,… và một số địa phương đã đưa ra các góp ý, đề xuất cho kế hoạch xây dựng đề án.

Đa số các ý kiến đều đánh giá cao ý nghĩa và sự cần thiết của đề án này, đồng thời lưu ý, cần làm rõ nội hàm cũng như khoanh vùng trình độ đào tạo, cơ cấu, lĩnh vực đào tạo cũng như đánh giá chính xác thực trạng

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận, các góp ý xây dựng nội dung chính đề án quý giá và toàn diện. Thứ trưởng khẳng định đề án mang tính đột phá, giải quyết những chủ trương mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước. Định hướng xây dựng đề án rõ ràng, trọng tâm, trọng điểm, nội dung cụ thể, khả thi, không trùng lắp.

Thứ trưởng chỉ đạo tổ soạn thảo tiếp thu để hoàn thiện bản dự thảo đầu tiên. Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, một số thành phố lớn có văn bản đề cương đánh giá thực trạng và kết quả triển khai các chương trình, kế hoạch có phạm vi liên quan, cũng như cụ thể hóa bằng văn bản những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, làm căn cứ quan trọng cho dự thảo đề án.

Các Bộ, ngành cử người tham gia quá trình xây dựng đề án và tổ chức triển khai sau này. Tới đây, Bộ GD&ĐT cũng sẽ làm việc với các trường đại học, doanh nghiệp để cụ thể hóa các nội dung liên quan.

Bạn đang đọc bài viết "Tập trung vào đào tạo - đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn lực" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833