Tọa đàm “Bất động sản đón sóng kết nối hạ tầng cao tốc” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hiệp hội Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam, Lãnh đạo Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh - ông Nguyễn Mạnh Thắng, cùng với các lãnh đạo đơn vị của ngành bất động sản tại TP.HCM. Bên cạnh đó có các chuyên gia là những diễn giả uy tín, có kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng về thị trường bất động sản phía Nam, gồm: TS Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện NC Tin học & Kinh tế ứng dụng; TS Sử Ngọc Khương- Phó Viện Trưởng IIB; MBA Nguyễn Hoàng- Chuyên gia Bất động sản; ông Phạm Trọng Phú - Giám đốc công ty Titanium.
Áp lực nợ trái phiếu từ doanh nghiệp
Với mục tiêu cập nhật những thông tin mới nhất về kiến thức nhận diện dòng tiền cũng như thị trường bất động sản và cung cấp những phân tích chuyên sâu về các dự án bất động sản trên trục hạ tầng cao tốc kết nối từ miền Trung đến miền Đông Nam Bộ và miền Tây sẽ được hưởng lợi như thế nào từ hạ tàng cao tốc. Ngoài ra, Tọa đàm sẽ trở thành cầu nối hữu hiệu, giúp kết nối các nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản và chuyên gia trong lĩnh vực, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, hiệu quả của thị trường bất động sản.
Thực tế cũng cho thấy, thị trường thời gian qua đã có sự phục hồi tích cực tại một số địa bàn và phân khúc, với nguồn cung được cải thiện và giao dịch trở lại đáng kể, đưa đến triển vọng lạc quan trong giai đoạn tới. Bối cảnh đó dẫn đến nhu cầu nhận diện, phân tích, đánh giá cơ hội đầu tư bất động sản cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học & Kinh tế ứng dụng, hiện thị trường bất động sản đang rất nghịch lý khi năm nay dù kinh tế còn khó khăn nhưng dòng tiền vào thị trường bất động sản có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, cũng còn những tác động hạn chế dòng tiền vào thị trường bất động sản 2024 như: áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp nên dòng tiền hoạt đọng bị thu hẹp; ngân hàng sẽ tăng nợ xấu. Do đó, thị trường bất động sản từ đây đến cuối năm vẫn còn phải theo dõi, chỉ có những vùng dân cư tập trung và sẽ tập trung, có dòng tiền đủ mạnh mới tạo động lực đi lên.
“Áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2024 làm dòng tiền hoạt động bị thu hẹp. Năm 2024, ước tính có khoảng 213.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó có 80.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, ngân hàng sẽ tăng nợ xấu trong năm 2024 làm hạn chế tín dụng đối với các công ty kinh doanh không tốt", TS Đinh Thế Hiển chia sẻ thêm.
Thị trường Bất động sản đón “sóng” kết nối hạ tầng trọng điểm
Theo chuyên gia Sử Ngọc Khương - Viện phó Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, vấn đề thực tế của thị trường bất động sản hiện nay vẫn là nguồn cung hạn chế, gia bán cao, thanh khoản thấp, sản phẩm không phù hợp với nhu cầu thực của người dân. Điểm mới của thị trường là vừa qua các chính sách pháp luật liên quan đến bất động sản đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/8/2024. Tuy nhiên, để các chính sách pháp luật đi vào đời sống còn phụ thuộc vào các thông tư, nghị định, hấp thụ, phản ứng của thị trường.
Chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng chia sẻ, hiện nay thị trường bất động sản đang có nhiều điều khó đoán vì hiện nay vẫn còn nhiều người đang ôm hàng. Thị trường thường bị dẫn dắt bởi nhà đầu tư, mà hiện nay nhà đầu tư đang bị kẹt vốn nên không thể dẫn dắt được nữa. Trừ khi có một số thông tin mang đến động lực lớn như tăng trưởng kinh tế, thu nhập tăng, để tạo ra một làn sóng hay cơn sốt đất rất khó.
Hiện thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, song hành với sự hình thành của các dự án giao thông thì chất lượng đô thị hóa mới được nâng cao. Nói cách khác, hiệu quả của một dự án hạ tầng chỉ được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án bất động sản đi theo phải bền vững và có sự dẫn dắt đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo ông Phạm Trọng Phú - thành viên ban chủ nhiệm VFA Group, Giám đốc Công ty Titanium - đánh giá, hiện hạ tầng giao thông đang hình thành, sắp tới sẽ có thêm một loạt cao tốc, Vành đai thực hiện sẽ tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ cho khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên vấn đề ở đây là dân số, nên để một khu nào đó phát triển thì phải có dân cư về sinh sống. Khu vực Đông Nam Bộ đang có mật độ dân số ổn định nên dự báo thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững.
Hiện nay miền Tây Nam Bộ đã có 3 đoạn của tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ đã đưa vào sử dụng. Từ đây cho đến năm 2030, bức tranh giao thông của ĐBSCL sẽ có nhiều cải thiện, gần một chục dự án giao thông quan trọng đang được triển khai. Mạng lưới đường bộ sẽ hoàn thiện thông theo trục ngang và trục dọc. Chẳng hạn như trong giai đoạn 2023-2025, một loạt tuyến giao thông trục ngang An Giang – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng… đang hình thành.
Thời gian qua, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi tích cực tại một số địa bàn và phân khúc, nguồn cung được cải thiện và giao dịch đã trở lại. Hiệu quả của dự án hạ tầng được hiện thực hóa khi sự phát triển các dự án bất động sản đi theo bền vững và có sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản sẽ không thể phát huy vai trò hạt nhân của đô thị nếu các dự án hạ tầng giao thông kết nối không được hình thành. Thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng pháp lý chưa rõ ràng, các thủ tục hành chính còn phức tạp; việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý của nhiều dự án vẫn đang gặp khó, dẫn đến chậm tiến độ, ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư.
Dẫu vậy, các chuyên gia dự báo rằng, trong những năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ các dự án hạ tầng giao thông lớn, cũng như các chính sách thúc đẩy phát triển đô thị và công nghiệp của Chính phủ./.
Link nội dung: https://kinhtethitruong.vn/toa-dam-nhan-dien-dong-tien-va-don-song-bat-dong-san-ket-noi-ha-tang-cao-toc-a199639.html