Theo ông Nhơn, tại thời điểm chuyển nhượng, các dự án này đều đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500, giao đất, cho thuê đất để thực hiện, cấp phép xây dựng và trên thực tế Novaland cũng đã tiến hành đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, gần hai năm nay, việc phê duyệt các quy hoạch liên quan bị kéo dài khiến doanh nghiệp không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng để triển khai kinh doanh tại các dự án này.
Các vướng mắc liên quan đến sự không đồng bộ giữa các quy hoạch chung của thành phố Biên Hòa, quy hoạch phân khu C4, quy hoạch chi tiết của các dự án và vấn đề bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án nêu trên.
Cụ thể, dự án Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng đã được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 2008. Tuy nhiên, do có sự không đồng bộ giữa các quy hoạch chung thành phố Biên Hòa với phân khu C4 và quy hoạch chi tiết của các dự án. Công ty đã phải dừng triển khai xây dựng và kinh doanh tất cả dự án theo quy hoạch chi tiết đã được duyệt để đợi quy hoạch điều chỉnh phân khu C4. Vướng quy hoạch kéo dài đã gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách hàng và gây ra nhiều hệ quả xấu cho xã hội.
Vì vậy, ông Nhơn kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến và thúc đẩy 4 giải pháp. Thứ nhất, cho phép UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu C4 trên cơ sở cập nhật hiện trạng và đồ án quy hoạch chi tiết của các dự án nêu trên; đồng thời cập nhật các nội dung của đồ án quy hoạch phân khu C4 vào đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đang được triển khai thực hiện.
Thứ hai, cho phép UBND tỉnh Đồng Nai được thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4 ngay sau khi hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh mà không phải đợi đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 được phê duyệt.
Thứ ba, cho phép Novaland được lập và trình thẩm định điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 song song với thực hiện phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu C4 trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết không làm thay đổi quy mô dân số, không làm tăng đất ở, đất thương mại so với quy hoạch đã được phê duyệt.
Cuối cùng là cho phép doanh nghiệp tiếp tục được đầu tư xây dựng, bán hàng đối với các cấu phần, hạng mục tại các dự án đã phù hợp với quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Về vướng mắc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án thành phần thuộc Khu đô thị Kinh tế mở Long Hưng và Khu đô thị Dịch vụ Thương mại cao cấp Cù lao Phước Hưng, ông Nhơn giải thích, Novaland đã nhận chuyển nhượng từ các chủ đầu tư cấp một đã lựa chọn chủ đầu tư và đã có quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở, Nghị định 100.
Các dự án không thuộc trường hợp bị thu hồi đất giao cho chủ đầu tư khác nên các dự án nêu trên không thuộc trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết để bố trí bổ sung quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội. Các công ty chủ đầu tư thuộc Novaland đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất ở của các dự án.
Trên cơ sở đó, ông Nhơn kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho phép doanh nghiệp không thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 của các dự án này để bố trí quỹ đất nhà ở xã hội.
Chủ tịch Novaland cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, chấp thuận quyết định của UBND Tỉnh Đồng Nai về việc bố trí quỹ đất nhà ở xã hội Dự án Khu đô thị Dịch vụ Thương mại Phước Hưng vào dự án Khu dân cư cho người có thu nhập thấp và nhà ở xã hội gần 47 ha của Công ty cổ phần Tràng An tại xã Tam Phước, thành phố Biên Hòa theo đúng thẩm quyền.
Người đứng đầu tập đoàn Novaland trần tình, hiện nay các vướng mắc của doanh nghiệp tại các dự án nêu trên vẫn chưa được giải quyết, chưa có phương án tháo gỡ cụ thể. Điều này khiến doanh nghiệp chưa thể tiếp tục các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các dự án trên dẫn đến nguy cơ đổ vỡ do không có dòng tiền hoạt động. "Ngân hàng vẫn khóa tất cả nguồn tiền, kể cả doanh thu bán hàng và trừ dần vào lãi vay phát sinh. Mỗi ngày, Novaland và NovaGroup phải trả trung bình 50 tỷ đồng", ông nêu tình cảnh của công ty.
Theo chủ tịch Novaland, tập đoàn đã mạnh dạn nhận chuyển nhượng lại các dự án có quy mô lớn bị chậm triển khai ở những khu vực kinh tế xã hội còn khó khăn, huy động nguồn lực biến những vùng đất này thành các khu đô thị hiện đại, nâng cao đời sống người dân, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Ông nêu thêm, Novaland hiện là công ty đại chúng có hơn 60.000 cổ đông, tài sản doanh nghiệp tạo ra là tài sản chung của xã hội, khó khăn của công ty cũng là khó khăn chung của ngành bất động sản. Vì vậy tập đoàn kiến nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có phương án tháo gỡ khẩn cấp các vướng mắc tại dự án của doanh nghiệp ở Đồng Nai. Việc gỡ vướng pháp lý này nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và tránh những hệ lụy xấu có thể xảy ra thời gian tới.
Chủ tịch Novaland lo ngại nếu các vướng mắc kéo dài có thể dẫn đến nợ xấu ảnh hưởng dây chuyền đến các khách hàng, nhà thầu, doanh nghiệp, ngân hàng và ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế, tác động đến an sinh xã hội do mất hàng chục, hàng trăm nghìn công ăn việc làm của người lao động. Các dự án sẽ bị bỏ hoang lâu năm vì tình trạng vướng pháp lý kéo dài, lãng phí nguồn lực và tài sản của xã hội, ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị, môi trường đầu tư và uy tín của Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài