Cụ ông bị tai nạn giao thông biến dạng ngực được phẫu thuật kịp thời

Cụ ông điều khiển xe máy trên đường bị tai nạn gãy nhiều xương sườn khiến lồng ngực biến dạng, được phẫu thuật cứu sống kịp thời.

Ngày 23/3, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Nghĩa, bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết, vừa qua Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn tiếp nhận trường hợp của ông L.Đ.T, 69 tuổi, ngụ tỉnh Long An nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, suy hô hấp.

Bị tai nạn giao thông gãy nhiều xương sườn, biến dạng ngực

Theo chia sẻ từ người nhà, ông T. đang điều khiển xe máy trên đường thì xảy ra tai nạn giao thông. Phần ngực bị đập mạnh xuống đường khiến ông bị đau, khó cử động vùng ngực, hông lưng, cánh tay.

Ngay lập tức, ông T. được người dân đưa vào bệnh viện địa phương nhưng các triệu chứng đau và khó thở không có dấu hiệu thuyên giảm.

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, các bác sĩ cho biết, ông T. nhập viện cấp cứu sau 3 ngày xảy ra tai nạn, với tình trạng suy hô hấp, đa chấn thương ngực, bụng và gối trái, viêm phổi, dập phổi cùng với tiền sử tăng huyết áp, bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng Cushing do thuốc.

Các bác sĩ đã tiến hành cho người bệnh xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng hô hấp, chỉ định chụp CT scan ngực cản quang dựng hình khung sườn.

Kết quả cho thấy, ông T. bị mảng sườn di động, gãy đa cung các xương sườn 5,6,7,8,9,10 trái, các ổ gãy di lệch rời nhau, gây biến dạng lồng ngực, tràn máu màng phổi trái, dập nhu mô phổi dưới tổn thương.

Đây là một thể bệnh nặng của chấn thương lồng ngực, có thể gây suy hô hấp nặng và cấp tính do các yếu tố như: đau của tổn thương rộng thành ngực và gãy xương sườn, dập rách nhu mô phổi, xẹp phổi làm giảm thông khí, máu chảy vào khoang màng phổi có thể gây mất máu số lượng nhiều,...

Sức khỏe - Cụ ông bị tai nạn giao thông biến dạng ngực được phẫu thuật kịp thời

Bác sĩ Nghĩa thăm khám cho ông T. trước khi xuất viện.

Nhận thấy diễn biến phức tạp, để nhanh chóng cứu sống người bệnh, ông T. được chuyển điều trị hồi sức tích cực, truyền kháng sinh điều trị viêm phổi, truyền giảm đau tích cực.

Sau hơn 1 tuần, tình trạng nội khoa đã ổn định, tuy nhiên tình trạng đau do xương sườn gãy vẫn còn, người bệnh vẫn phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trên giường bệnh.

Da vùng cùng cụt bắt đầu loét do nằm lâu. Để xử trí triệt để tình trạng này, ông T. được các bác sĩ Khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực phẫu thuật cố định xương sườn để giảm đau, giúp xương nhanh hồi phục, người bệnh có thể trở lại sinh hoạt thường ngày, tránh những biến chứng do nằm lâu. 

Sức khỏe - Cụ ông bị tai nạn giao thông biến dạng ngực được phẫu thuật kịp thời (Hình 2).

Hình ảnh CT scan dựng hình trước phẫu thuật cố định xương sườn cho ông T..

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Đức Nghĩa, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật của ông T. cho biết: “Người bệnh được phẫu thuật cố định xương sườn trái, với đường rạch da chỉ khoảng 10m. Các xương sườn gãy được nắn, xếp lại đúng vị trí. Riêng xương sườn 7,8 do di lệch quá xa, đâm vào cân cơ, gây đau và mất vững thành ngực nên đã được cố định bằng nẹp vít. Sau phẫu thuật 3 ngày, người bệnh đã có thể hồi phục được 90%, không còn cảm giác đau đớn của xương đâm vào da thịt như trước và xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật”.

Cũng theo bác sĩ Nghĩa, với những trường hợp sau phẫu thuật cố định xương sườn, người bệnh có thể làm việc lại sau 1 tuần, tuy nhiên cần tránh vận động nặng trong 1 tháng đầu tiên và cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ. 

Tổn thương lồng ngực rất phổ biến trong các trường hợp chấn thương, nhất là sau tai nạn giao thông. Bác sĩ Nghĩa khuyến cáo, nếu có các triệu chứng đau, mệt, khó thở sau chấn thương, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng.

Mỗi năm, thế giới có đến hơn 5 triệu người chết vì chấn thương, con số này gấp 1,7 lần tỉ lệ tử vong của HIV/AIDS, lao và sốt xuất huyết cộng lại, trong đó 25-50% số ca tử vong có chấn thương ngực.

Nguyên nhân gây chấn thương lồng ngực đa phần là do tai nạn giao thông, các tai nạn ngã từ trên cao xuống, tai nạn trong lao động, các chấn thương trong luyện tập thể thao..., hoặc do một vật thể xuyên qua như dao, kéo, viên đạn, thanh sắt,...

Chấn thương lồng ngực có thể gây tử vong trong những phút đầu tiên, hoặc vài giờ sau chấn thương, do tổn thương trực tiếp đến hệ hô hấp và tuần hoàn của cơ thể (tim, phổi và các mạch máu lớn).

Nguyễn Lành

Link nội dung: https://kinhtethitruong.vn/cu-ong-bi-tai-nan-giao-thong-bien-dang-nguc-duoc-phau-thuat-kip-thoi-a170747.html