Bác sĩ tiết lộ thủ phạm gây tiểu khó, bí tiểu dịp Tết và cách phòng ngừa

() - Theo bác sĩ vào mỗi dịp lễ, Tết, nhiều bệnh nhân lớn tuổi phải nhập viện vì tình trạng tiểu khó, bí tiểu cấp tính, mà thủ phạm là thứ rất quen thuộc.

Vào mỗi dịp lễ, Tết, nhiều người lớn tuổi sau khi tham dự tiệc phải nhập viện vì tình trạng tiểu khó, bí tiểu cấp tính. Người bệnh có những cơn đau tức rất khó chịu ở vùng bụng dưới, muốn đi tiểu nhưng lại không thể tiểu được và cần phải được đặt một ống thông tiểu tạm thời để thoát nước tiểu ứ đọng ở bàng quang.

ThS.BS Nguyễn Tân Cương, chuyên khoa Tiết niệu cho biết, rượu bia được hấp thu ở đường tiêu hóa, trong đó 20% tại dạ dày và 80% tại ruột non. Khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia sẽ đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở.

Trong máu, rượu bia có tác dụng lợi niệu, nhưng khi uống nhiều rượu bia, thận phải làm việc nhiều hơn để lọc các chất độc hại ra ngoài. Thận lọc máu tạo ra nhiều nước tiểu hơn bình thường, làm bàng quang căng đầy và đi tiểu nhiều hơn. Do đó, khi uống nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến hệ tiết niệu.

Bác sĩ tiết lộ thủ phạm gây tiểu khó, bí tiểu dịp Tết và cách phòng ngừa - 1

Dịp Tết là thời điểm người dân tiêu thụ rất nhiều rượu bia (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ Cương phân tích, việc lạm dụng rượu bia trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng lọc máu, mất cân bằng lượng nước và các chất điện giải trong cơ thể.

Trong một số trường hợp, uống quá nhiều rượu bia, có thể gây suy giảm chức năng thận đột ngột gọi là tổn thương thận.

Ngoài ra, khi uống quá nhiều, rượu bia có thể ảnh hưởng đến thần kinh cơ bàng quang, làm tăng nguy cơ bí tiểu cấp ở người lớn tuổi, đặc biệt là ở người có phì đại tuyến tiền liệt và bàng quang dễ bị tổn thương khi có chấn thương.

Tính axit của rượu bia còn gây kích thích bàng quang và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Tác dụng lợi niệu và kích thích bàng quang của rượu bia làm triệu chứng đường tiểu dưới nghiêm trọng hơn. Tiểu thường xuyên, nhiều lần trong ngày, tiểu đêm, tiểu gấp là những triệu chứng thường gặp khi uống nhiều rượu bia…

"Không chỉ ảnh hưởng các hoạt động của hệ tiết niệu, rượu bia còn có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý liên quan đến nhiều cơ quan khác như thần kinh, huyết áp, tim mạch, đặc biệt bệnh gan mật…" - ThS.BS Nguyễn Tân Cương khuyến cáo.

Bác sĩ tiết lộ thủ phạm gây tiểu khó, bí tiểu dịp Tết và cách phòng ngừa - 2

Khi uống nhiều rượu bia, bàng quang căng đầy sẽ có nguy cơ bị vỡ hoặc dễ tổn thương khi có chấn thương (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Để phòng ngừa những tác hại của rượu bia đến hệ tiết niệu, nhất là trong dịp Tết, bác sĩ Nguyễn Tân Cương lưu ý, ở người bị bàng quang tăng hoạt cần hạn chế uống rượu bia và cả cà phê, trà, nước ngọt. Vì các loại thức uống này khiến tình trạng kích thích bàng quang trầm trọng hơn.

Người dân không nên nhịn tiểu quá lâu, để bàng quang ở trạng thái căng liên tục sẽ khiến cơ quan này dễ bị tổn thương. Lâu dài, bàng quang giảm khả năng chứa đựng, giữ nước tiểu kém, dẫn đến bàng quang tăng hoạt.

Ngoài ra, cần uống vừa đủ nước mỗi ngày. Ở người trưởng thành, trung bình lượng nước cần mỗi ngày khoảng 40ml/kg cân nặng. Nếu nặng 50kg, mỗi ngày nên uống khoảng 2 lít nước, còn nếu vận động nhiều, cơ thể sẽ cần phải bù nhiều dịch hơn.

"Dấu hiệu nhận để biết tình trạng mất nước là khát nước, da khô, nhăn, môi khô, nước tiểu màu vàng sậm…" - bác sĩ chia sẻ.

Link nội dung: https://kinhtethitruong.vn/bac-si-tiet-lo-thu-pham-gay-tieu-kho-bi-tieu-dip-tet-va-cach-phong-ngua-a158485.html