Phát hiện gần 30.000 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu

03/12/2022 07:02

Lực lượng Quản lý thị trường và Công an Hà Nội kiểm tra, phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, đôi giầy, đôi găng tay có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng.

Ngày 2/12, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thông tin, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Cục QLTT Tp.Hà Nội phối hợp với Đội 4 Phòng PC03 - Công an Tp.Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong ngõ 11 Trần Vĩ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cơ sở kinh doanh này do ông Thiều Tiến Lợi (36 tuổi) làm chủ.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, đôi giầy, đôi găng tay có dấu hiệu giả mạo thương hiệu nổi tiếng.

Làm việc với Đoàn kiểm tra ông Thiều Tiến Lợi cho biết, Cơ sở kinh doanh của ông sử dụng tài khoản trên mạng xã hội Facebook và các tài khoản trên mạng xã hội Zalo để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng để bán các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nói trên.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo trên để củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ và cung cấp thông tin, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường Internet theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT Tp.Hà Nội, trong thời gian gần đây, cả thế giới nói chung và người dân Việt Nam nói riêng đang cùng hướng đến diễn biến các trận đấu của giải bóng đá vô địch thế giới World Cup 2022. Cùng với đó là nhu cầu sử dụng quần áo bóng đá, giầy, găng tay phục vụ cho hoạt động thi đấu và cổ vũ bóng đá ngày càng tăng. Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều đối tượng kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa là quần áo, giầy, găng tay… là hàng giả, hàng nhái dùng cho môn bóng đá đã lựa chọn thời điểm tập kết, cung cấp ồ ạt các mặt hàng này ra thị trường thông qua hoạt động thương mại điện tử bằng các mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Ông Nghĩa cũng cho biết, trong thời gian tới, Đội QLTT số 1 tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm đặc biệt đối với các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuệ Minh

Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện gần 30.000 bộ quần áo thể thao giả mạo nhãn hiệu" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833