Những điều cần biết về chế độ thai sản dành cho lao động nam

10/06/2023 17:10

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, chế độ thai sản dành cho cả lao động nam và nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Tp. Hà Nội cho biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành, chế độ thai sản dành cho cả lao động nam và nữ tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa hiểu rõ, không ít đơn vị, doanh nghiệp chưa triển khai đầy đủ chính sách này đối với lao động nam, còn bản thân nhiều người lao động nam chưa chủ động đề nghị thụ hưởng quyền lợi.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản với lao động nam

Điều 31 Luật BHXH 2014 quy định về điều kiện được hưởng chế độ thai sản với lao động nam.

Theo đó, lao động nam đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau: Nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi; thực hiện biện pháp triệt sản; lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con.

Thời gian hưởng chế độ thai sản với lao động nam

Khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 34, Điều 36, Điều 37 Luật BHXH 2014 quy định thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con.

Cụ thể các trường hợp như sau:

Khi vợ sinh con

- Vợ sinh thường: được nghỉ 5 ngày làm việc.

- Vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi: được nghỉ 7 ngày làm việc.

- Vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày làm việc.

Trường hợp vợ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con, chồng được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.

- Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật: được nghỉ 14 ngày làm việc.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

Sau khi vợ sinh con

- Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014.

Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 Luật BHXH 2014 mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

- Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều 34 Luật BHXH 2014 thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

- Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Người lao động nhận nuôi con nuôi

Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi.

Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật BHXH 2014 thì chỉ cha hoặc mẹ được nghỉ việc hưởng chế độ.

Người lao động thực hiện biện pháp triệt sản

Khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

Thời gian hưởng chế độ thai sản của lao động nam trong trường hợp này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

Mức hưởng chế độ thai sản với lao động nam

Điều 38, khoản 1 Điều 39 Luật BHXH 2014 quy định mức hưởng chế độ thai sản với lao động nam.

Cụ thể như sau:

Mức hưởng thai sản theo tháng

Mức hưởng = 100% X Mức bình quân tiền tháng đóng BHXH X Số ngày được nghỉ.

Trong đó:

- Mức bình quân tiền tháng đóng BHXH đủ 6 tháng trở lên là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

- Trường hợp người lao động đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng BHXH.

Mức hưởng thai sản theo ngày

- Trường hợp không có ngày lẻ

Mức hưởng thai sản theo ngày = Mức hưởng chế độ thai sản theo tháng/24 ngày.

- Trường hợp có ngày lẻ hoặc trường hợp quy định tại Điều 33 và Điều 37 Luật BHXH 2014

Mức hưởng thai sản theo ngày = Mức trợ cấp theo tháng/30 ngày

Trường hợp hưởng chế độ thai sản nhận nuôi con nuôi = mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Mức hưởng trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Đối với người chồng của người mẹ nhờ mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.

Mức hưởng trợ cấp một lần = Lương cơ sở tại tháng nhận nuôi con nuôi X 2.

Minh Hoa (t/h theo Hà Nội mới, Sức khỏe và Đời sống)

Bạn đang đọc bài viết "Những điều cần biết về chế độ thai sản dành cho lao động nam" tại chuyên mục Tin tức - Sự kiện. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833