Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp "không đủ nuôi mình"

14/08/2022 14:00

Trong năm học mới 2022-2023, nhiều địa phương đồng loạt "kêu" thiếu giáo viên.

Bình Dương nhiều giáo viên nghỉ việc vì lương thấp

Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết thông tin trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (12/8).

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Bình Dương hiện có 742 trường học (393 trường công lập, 349 trường ngoài công lập) với tổng số 527.102 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT, tăng thêm gần 30.000 em so với năm học 2021 - 2022. Tuy nhiên, thời gian qua toàn tỉnh ghi nhận 527 giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp không đủ trang trải cuộc sống. Cụ thể viên chức giáo viên mới được tuyển dụng có hệ số lương 2,34, có tổng tiền lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều.

Số học sinh tăng lên, số giáo viên nghỉ việc cũng tăng khiến ngành GD&ĐT tỉnh này đối mặt với khó khăn, thiếu trầm trọng người dạy. Dự kiến năm học tới, toàn tỉnh thiếu 3.102 giáo viên, nhiều nhất là giáo viên khối THCS với 1.305 người, cấp tiểu học cần 1.207 người, THPT cần 118 giáo viên, còn khối mầm non thiếu 465 giáo viên.

Bình Dương là nơi tập trung đông dân cư, nhiều khu công nghiệp lớn nên hầu hết các trường đều có số học sinh trên một lớp vượt quá số lượng quy định 45 - 50 em/lớp. Nhiều trường phải giảm số buổi học từ 2 buổi/ngày xuống còn 1 buổi do thiếu phòng học, khó đảm bảo chất lượng dạy học. "Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế đang được địa phương áp dụng", bà nói.

Để giảm áp lực sĩ số học sinh năm học mới 2022 - 2023, bà Hằng cho biết, Bình Dương đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 11 trường (1 trường THCS, 10 trường mầm non ngoài công lập).

Về vấn đề thiếu giáo viên, Sở GD&ĐT đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh tuyển dụng thêm biên chế hoặc ký hợp đồng giáo viên để giải quyết tạm thời bài toán thiếu giáo viên. Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT có chính sách đặc thù cho tỉnh để thu hút được thêm giáo viên, phục vụ đủ số học sinh tăng thêm mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, viên chức giáo viên mới được tuyển dụng có hệ số lương 2,34. Nếu nhân hệ số này với mức lương cơ bản 1.490.000 đồng/tháng thì chưa được tới 3,5 triệu đồng, còn thấp hơn lương công nhân. Mức lương hàng tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng rất nhiều. Và thấp hơn lương của nhân viên, người lao động mới hợp đồng (vì họ được hợp đồng theo mức lương tối thiểu vùng).

"Đó cũng là nguyên nhân giáo viên nghỉ việc nhiều. Từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, toàn ngành giáo dục Bình Dương có 527 giáo viên nghỉ việc", ông Phong nói.

Giải đáp thắc mắc về việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên diễn ra suốt nhiều năm qua, ông Phong cho biết, ngành đang triển khai nhiều giải pháp. Trước mắt, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương ngành GD&ĐT tuyển dụng viên chức, với 154 chỉ tiêu. Trên cơ sở tham mưu của Sở GD&ĐT sau khi tuyển dụng, UBND tỉnh xem xét tiếp tục cho chủ trương các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng. Và tiếp tục xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy, nhưng có gốc đào tạo sư phạm được chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn.

Về dài hạn, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2020-2025.

"Theo đó, có 2.094 người cần nâng trình độ chuẩn được đào tạo từ nay đến năm 2025. Trong đó năm 2021, đào tạo 307 giáo viên nâng trình độ chuẩn", ông Phong thông tin.

Đồng thời, đại diện ngành GD&ĐT Bình Dương cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, giao thêm biên chế cho ngành GD&ĐT tỉnh theo định mức. Việc này nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp" theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.

Liên quan tới những kiến nghị, đề xuất của Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị tỉnh có báo cáo chi tiết về tình hình đội ngũ giáo viên, nhất là tình trạng giáo viên mầm non, tiểu học nghỉ việc vì đây là một việc mà lãnh đạo Bộ cũng đang đặc biệt quan tâm.

Giáo dục - Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp 'không đủ nuôi mình'

Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023. Ảnh: VOV.

Thanh Hóa cũng thiếu giáo viên trầm trọng

Đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa cũng cho biết, năm học 2021-2022, tỉnh thiếu 8.968 giáo viên. Đến năm học 2022-2023, sẽ thiếu 10.276 giáo viên các cấp học (tỷ lệ thiếu 19%) theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Do đó, đại diện Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan, giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

Tỉnh cũng kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét lại chính sách thực hiện giảm biên chế (mỗi năm 2%) là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh, đặc biệt là với ngành giáo dục.

Về việc mua sắm trang thiết bị chương trình giáo dục phổ thông mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị, mà không có khung giá thiết bị. Việc đấu thầu mua sắm cũng gặp khó khăn khi danh mục thiết bị có tính chất đặc thù, hạn chế về số lượng đơn vị sản xuất và cung cấp.

Sở GD&ĐT tỉnh đề nghị Chính phủ nghiên cứu chính sách cho giáo viên và học sinh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861 của Thủ tướng.

Lo ngại sĩ số tăng gây ảnh hưởng chất lượng học tập

Theo quy định của Điều lệ trường học do Bộ GD&ĐT ban hành, mỗi lớp học ở cấp THCS, THPT có không quá 45 học sinh; mỗi lớp học ở cấp tiểu học có không quá 35 học sinh.

Tuy nhiên, đối với Tp.Hà Nội, quy định này là bài toán khó bởi tốc độ tăng dân số nhanh. Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện tỷ lệ bình quân học sinh/lớp ở cấp tiểu học là 39,3; cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7.

Con số này có sự khác biệt ở một số địa bàn. Ghi nhận thực tế cho thấy, với những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, sĩ số học sinh/lớp luôn cao hơn nhiều so với quy định. Đáng chú ý ở các trường tiểu học, nhiều trường có tỉ lệ bình quân hơn 50 học sinh/lớp, thậm chí đã có thời điểm, một lớp vượt quá hơn 60 học sinh. Bởi vậy sĩ số học sinh/lớp tại Hà Nội luôn là vấn đề “nóng”, được dư luận quan tâm, nhất là vào thời điểm tuyển sinh đầu cấp.

Năm học 2022-2023, Tp.Hà Nội vẫn sử dụng phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định để tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6.

Theo kế hoạch, thời gian tuyển sinh đầu cấp được thực hiện trong đầu tháng 7 tới đây. UBND thành phố yêu cầu tổ chức tuyển sinh tạo thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tối đa việc tuyển sinh trái tuyến, không tiếp nhận học sinh trái tuyến đối với các cơ sở giáo dục đã tuyển đủ chỉ tiêu được giao.

Nỗ lực kiểm soát việc tuyển sinh trái tuyến để giảm tình trạng quá tải học sinh trong nhiều năm qua của Hà Nội có nhiều điểm tích cực đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô học sinh ngày càng gia tăng như hiện nay, tình trạng sĩ số học sinh/lớp, đặc biệt là với lớp 1 luôn quá tải tại các trường công lập là nỗi lo của nhiều phụ huynh.

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng cho biết, theo Nghị định 120 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập, quy định mỗi trường chỉ 2 cấp phó hiệu trưởng gây khó khăn với các trường trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể với các trường chuyên, trường trọng điểm quốc gia, trường ở các khu đô thị sĩ số học sinh luôn quá tải 45-50 em/lớp. Mỗi trường có khoảng 1.000 - 3.000 em. Trường đông học sinh kéo theo khối lượng công việc tăng lên, nếu chỉ có 1 hiệu trưởng và 2 hiệu phó sẽ khó xử lý hết công việc.

“Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét lại nội dung này. Nên chăng cho phép những trường đông học sinh được phép có 3 phó hiệu trưởng”, ông Cương đề xuất.

Giáo dục - Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp 'không đủ nuôi mình' (Hình 2).

Nhiều lớp học sĩ số đông. Ảnh minh họa.

Nhiều giáo viên nghỉ việc, vì sao?

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ, vấn đề giáo viên nghỉ việc cũng tương tự như trường hợp của nhân viên y nghỉ việc tế thời gian qua.

Theo bà Nga, công việc của giáo viên áp lực lớn, đặc biệt là ở cấp học Mầm non và Tiểu học. Đặc biệt là giáo viên mầm non, thời gian dành cho công việc nhiều, đối tượng học sinh lại rất nhỏ.

“Qua tiếp xúc cử tri, nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non phản ánh họ phải đi sớm về muộn. Nhưng thu nhập lại không bằng lao động phổ thông. Họ vừa phải đảm bảo an toàn, vừa phải nuôi dạy kiến cho trẻ nhưng khi xảy ra sự cố không mong muốn thì phải hứng chịu rất nhiều búa rìu dư luận. Trong khi thu nhập ít ỏi, chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra so với mặt bằng chung của xã hội.

Nhìn tổng thể trên cả nước, ở cấp học nào cũng thiếu giáo viên. Tình trạng bỏ việc như hiện nay khiến việc thiếu giáo viên càng trở nên nan giải hơn.

Đặc biệt là thời điểm này, chúng ta đang triển khai chương trình SGK mới, nếu đội ngũ giáo viên thiếu sẽ rất khó triển khai, đồng thời khó đảm bảo được chất lượng giáo dục”, bà Nga lo ngại.

Cũng theo bà Nga để "giữ chân" giáo viên thì cần tìm cách để có sự cải thiện về chế độ chính sách dành cho giáo viên. Còn về áp lực công việc, cần có giải pháp tổng thể và toàn diện. Ví dụ như: Phát triển thêm hệ thống các trường ngoài công lập để chia sẻ gánh nặng với hệ thống các trường giáo dục công lập.

Tuyển dụng mới giáo viên để bù thiếu hụt nhưng không dễ

Theo Bộ GD&ĐT, cả nước còn thiếu 95.000 giáo viên các cấp, đồng thời thừa giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương, cấp học. Trong năm học trước, bộ cũng có nhiều nỗ lực, tham mưu để khắc phục tình trạng này.

Vừa qua, Bộ Chính trị quyết định bổ sung trên 65.900 biên chế giáo viên cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện việc tuyển dụng 27.850 giáo viên trong năm học tới.

Tuy nhiên, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, cho biết, dù có chỉ tiêu, để khắc phục triệt để vẫn không đơn giản. Vì quy trình tuyển dụng hiện nay phải qua nhiều khâu, thủ tục, chưa kể nguồn tuyển khó khăn nên năm học tới trước mắt vẫn phải áp dụng các giải pháp tình thế khác để thực hiện nhiệm vụ năm học trong tình huống chưa lấp đầy số giáo viên đang thiếu.

Góp ý tại hội thảo, GS Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng Bộ Giáo dục và đào tạo cần cụ thể hóa hơn trong các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm học mới, cũng như khắc phục hạn chế.

Điển hình như câu chuyện về tuyển dụng, tập huấn giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, nhiệm vụ của bộ, cần sự phối hợp của các bộ, ngành thế nào, nhiệm vụ của địa phương là gì, những vướng mắc cần kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ thế nào. Khi thảo luận cụ thể và thống nhất hướng hành động thì công việc mới có thể trôi chảy.

Cả GS Nguyễn Văn Minh và PGS Lê Anh Phương (Giám đốc Đại học Huế) đều cho rằng có những vấn đề ngành giáo dục không làm một mình được, mà cần một sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ.

Đơn cử như việc thực hiện nghị định 116/NĐ-CP về việc "đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên". Trong bối cảnh giáo viên vừa thiếu quá nhiều, vừa thừa cục bộ thì việc "đặt hàng đào tạo" là giải pháp cung cấp nguồn tuyển trúng đích.

Nhưng thực tế, nhiều trường sư phạm sẵn sàng đón nhận "đơn đặt hàng" mà không có, hoặc đã kết nối rồi bỏ ngỏ. Có nhiều lý do mà GD&ĐT để giúp địa phương, trường giải quyết vướng mắc, khớp nối tốt hơn.

Trúc Chi (t/h theo VTC News, Đại Đoàn Kết, Tuổi Trẻ, PLTPCHM)

Bạn đang đọc bài viết "Nhiều giáo viên nghỉ việc do lương quá thấp "không đủ nuôi mình"" tại chuyên mục GIÁO DỤC - SỨC KHỎE. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833