Khi sinh viên toán Sorbonne là nhà vô địch judo thế giới

25/03/2023 06:16

Chia thời gian đủ để tập, học, thi cử, thi đấu… là thách thức với số đông VĐV theo đường học vấn, nhưng cử nhân Toán tại Đại học Sorbonne danh giá Romane Dicko là ngoại lệ.

Ngày 13/11/2016, mọi sự chú ý ở nhà thi đấu của thành phố Montbeliard, miền đông Pháp, đổ dồn vào một cô bé 17 tuổi, đeo đai nâu. Romane Dicko - võ sĩ đến từ Randori Club de Villeneuve Le Roi (một câu lạc bộ judo ít tiếng tăm ở ngoại ô Paris) - lần lượt vượt qua sáu đối thủ, trong đó có ba trận thắng bằng điểm Ippon tuyệt đối, để gặp đàn chị dày dạn kinh nghiệm Eva Bisseni ở chung kết.

Cô sau đó đánh bại nữ võ sĩ lớn tuổi gấp đôi để trở thành nhà vô địch Pháp hạng +78kg. Đây cũng là nữ võ sĩ trẻ tuổi nhất giành HC vàng ở giải hạng nhất môn judo của nước này.

Dicko mừng khi thắng trận chung kết để vô địch thế giới hạng +78kg ngày 12/10/2022. Ảnh: IJF

Dicko mừng khi thắng trận chung kết để vô địch thế giới hạng +78kg ngày 12/10/2022. Ảnh: IJF

Tại Pháp, judo là môn thể thao đại chúng, có từ 500.000 đến 600.000 người tập luyện thường xuyên và giải vô địch quốc gia cũng được chia hạng như bóng đá. Việc một võ sĩ đai nâu chưa từng có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, lại đến từ một CLB nhỏ, bước lên bục cao nhất để nhận huy chương là điều vô cùng đặc biệt. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho hành trình ấn tượng mà cô bé 17 tuổi người da màu sẽ đi trong nghiệp võ.

Gầu sáu năm sau, ngày 12/10/2022, tại Tashkent, Uzbekistan, Dicko trở thành nhà vô địch thế giới hạng cân +78kg sau khi thắng võ sĩ Brazil Beatrice Souza. Cô bé đai nâu ngày nào từng chinh phục nhà thi đấu Montbeliard giờ đeo đai đen, là một trong những võ sĩ nòng cốt của CLB Judo Paris Saint Germain (PSG). Hành trang của Dicko khi đến giải vô địch thế giới đã có một HC vàng đồng đội Olympic, một HC đồng cá nhân hạng +78kg Olympic, ba HC vàng châu Âu... Người Pháp khấp khởi hy vọng khi hướng đến Olympic Paris 2024. Trên sân nhà, ở hạng cân nặng của cả nam và nữ, họ đều có những ứng viên cực mạnh cho chiếc HC vàng. Dicko được kỳ vọng không kém Teddy Riner - đồng đội lừng danh ở PSG.

Romane Dicko thắng chung kết +78kg giải VĐTG 2022
 
 

Trận chung kết thế giới hạng +78 kg giữa Dicko và Souza ngày 22/10/2022.

Phần lớn tuyển thủ judo của Pháp đều tập môn này sớm, ở độ tuổi tiểu học, nhưng Dicko muộn hơn và rất tình cờ. "Năm 2012, tôi cùng với ba xem các trận đấu judo ở Olympic London qua truyền hình. Khi thấy võ sĩ Pháp Audrey Tcheumeo đoạt HC đồng ở hạng -78kg và nghe các nhà báo thuật lại quá trình tập luyện của chị ấy, ba nói đùa: 'Tcheumeo cũng gốc Cameroon như gia đình mình, và bắt đầu tập judo khi đã học trung học, con mà thử tập, có khi cũng được như vậy'. Năm ấy, tôi 13 tuổi, đang chơi môn bơi lội và chưa từng học võ", Dicko kể.

Nghe ba nói đùa cũng... vui tai và vốn thích thể thao, cô bé đồng ý đăng ký vào lớp võ ở gần nhà - Randori Club de Villeneuve Le Roi. Không ngờ, Dicko lập tức thấy hợp và mê luôn judo. Những ngày đầu, cô tập trong khung giờ của các bạn đồng trang lứa, nhưng chỉ sau vài ngày, HLV Karim Dahli đề nghị Dicko chuyển sang tập giờ của người lớn vì thể lực và thể hình của cô vượt trội so với các thiếu niên khác. Và cũng chỉ vài ngày sau khi cô trò nhỏ sang tập với lớp lớn, Dahli đã hẹn gặp... phụ huynh. HLV này nhận ngay ra rằng CLB nhỏ của ông đang có một viên ngọc quý, nên đề nghị ba mẹ của Dicko cho phép ông được đồng hành với cô bé đến mức tối đa trên hành trình trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Dahli cũng biết, Dicko rồi sẽ chuyển sang một CLB lớn hơn để có nhiều cơ hội tiến bộ, nhưng ở chặng đầu tiên này, ông muốn làm hết khả năng để mài giũa viên ngọc thô.

Dicko nhanh chóng tạo sự chú ý với mọi nhà chuyên môn có dịp thấy cô tập. HLV Larbi Benboudaoud - Giám đốc chuyên trách thành tích cao của Liên đoàn Judo Pháp, kể về lần đầu gặp nhà vô địch thế giới hạng +78kg: "Tôi biết Dicko từ khi còn là một cô bé, mới đeo đai xanh lục. Và khi quan sát Dicko trong lớp judo, tôi thốt lên 'Ái chà, cô bé này quả là đặc biệt'. Cần tạo mọi điều kiện để Dicko có thể tham gia tập huấn, thi đấu. Cô bé sẽ tiến xa".

HLV tuyển nữ Pháp Severine Vandenhende - HC vàng hạng -63kg của môn judo ở Olympic Sydney 2000 - cũng đồng tình về năng lực "đặc biệt" của Dicko. Theo bà, nhà ĐKVĐ thế giới từ nhỏ đã cho thấy nền tảng thể lực vượt trội và luôn quyết tâm cao độ khi đã đề ra mục tiêu. "Ở các hạng cân nặng, đa phần VĐV đạt thành tích cao đều đã dày dạn kinh nghiệm sau nhiều năm thi đấu đỉnh cao. Trường hợp lên ngôi vô địch khi còn rất trẻ như Dicko thật sự hiếm", bà Vandendende nhấn mạnh.

Dicko trở về Randori Club de Villeneuve Le Roi để chia vui với các HLV, bạn tập và đàn em sau khi vô địch châu Âu. Ảnh: Le Randori Club de Villeneuve Le Roi

Dicko trở về Randori Club de Villeneuve Le Roi để chia vui với các HLV, bạn tập và đàn em sau khi vô địch châu Âu. Ảnh: Le Randori Club de Villeneuve Le Roi

Khoảng lặng để vững tiến. Judo nữ Pháp chỉ đứng sau cái nôi Nhật Bản ở tầm thế giới. Dicko mới 17 tuổi đã vô địch quốc gia, một năm rưỡi sau vô địch châu Âu, được tập luyện hằng ngày với đồng đội là các VĐV hàng đầu thế giới. Mọi chuyện tưởng chừng quá thuận lợi với cô... Kết quả thi đấu của Dicko ngày càng ấn tượng, thậm chí năm 2017, tại Giải vô địch đồng đội Judo quốc gia, cô thắng cả Emilie Andeol - HC vàng Olympic Rio 2016 hạng +78kg. Năm sau đó, Andeol tuyên bố nghỉ thi đấu đỉnh cao. Nhưng khi mọi cánh cửa đều đang rộng mở với Dicko, chấn thương ập đến. Năm 2018, cô phải mổ vai. Mất nhiều tháng để hồi phục, Dicko tập luyện, thi đấu trở lại để hướng đến Olympic Tokyo. Nhưng sang năm 2019, chưa được bao lâu, cô lại chấn thương đầu gối và phải mổ.

Đang tiến bộ không ngừng thì phải chững lại gần hai năm, đây là giai đoạn rất khó khăn với võ sĩ trẻ. Việc phải mổ, phải tập phục hồi chức năng, lấy lại phong độ là không dễ, nhưng điều làm Dicko nóng lòng hơn hết là "nhìn các đối thủ được tập luyện, được thi đấu hết giải này đến giải khác". Khi dính chấn thương đầu gối năm 2019 - một năm trước Olympic Tokyo 2020, Dicko từng nghĩ rằng đã mất cơ hội lần đầu tham dự đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Nhưng những diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến Olympic phải dời lại một năm, và cánh cửa lại hé mở với cô.

Dicko có thêm thời gian, và lại có "quân sư" cao cấp luôn tận tình hỗ trợ. Cô là em họ của Teddy Tamgho, nhà vô địch thế giới về nhảy xa ba bước rất nổi tiếng của Pháp. Từ tháng 3/2011 đến tháng 1/2021, Tamgho là kỷ lục gia thế giới về nhảy xa ba bước nam trong nhà (17,92m). Là VĐV nổi tiếng và cũng từng bị chấn thương nhiều lần nên anh rất hiểu và đã đưa ra những lời khuyên quý giá cho cô em họ. Với kinh nghiệm của bản thân, Tamgho giúp Dicko tập trung nghỉ ngơi và dành thời gian để tập phục hồi chức năng thật tốt, không thi đấu trở lại sớm khi chưa thật sự bình phục. "Anh ấy giúp tôi hiểu rằng mình còn trẻ và còn cả chặng đường dài phía trước, hãy nhìn các đối thủ thi đấu để có động lực tập vật lý trị liệu ở mức tốt nhất có thể. Như vậy, khi quay trở lại, tôi sẽ thật sự sẵn sàng cả về thể chất lẫn tinh thần", Dicko nhớ lại.

Khoảng lặng đó đã giúp Dicko có thời gian theo dõi các võ sĩ mạnh ở cùng hạng cân của các nước khác, đồng thời rà soát điểm mạnh - yếu của bản thân. Tính kiên trì, nhẫn nại của cô cũng đã được trui rèn đáng kể, nên thất bại ở giải đầu tiên ngay sau khi quay lại thi đấu vào tháng 11/2019 không làm nữ võ sĩ nao núng. Dicko không giành thành tích tốt ở giải VĐQG Pháp khi ấy, dù cô hầu như chưa từng thua kể từ khi tham dự các giải thành tích cao trong nước. Không nản lòng, cô tiếp tục tập luyện, khắc phục những điểm yếu, mài giũa sắc bén hơn những đòn sở trường...

Dicko (áo trắng) hạ Souza trong trận bán kết hạng +78kg Paris Grand Slam 2020 - giải đấu lớn đầu tiên của cô sau thời gian dưỡng thương. Ảnh: IJF

Dicko (áo trắng) hạ Souza trong trận bán kết hạng +78kg Paris Grand Slam 2020 - giải đấu lớn đầu tiên của cô sau thời gian dưỡng thương. Ảnh: IJF

Từ thất bại vào cuối 2019, Dicko đã thẳng tiến đến Olympic Tokyo hè 2021 sau 27 trận thắng liên tiếp ở các giải châu lục, Grand Slam, Grand Prix, trong đó có 15 trận thắng bằng điểm tuyệt đối Ippon. Tại Thế Vận Hội ở quê hương môn judo, trong nội dung thi đấu cá nhân (hạng +78kg), Dicko đoạt HC đồng, chỉ chịu thua ở bán kết trước võ sĩ Idalys Ortiz của Cuba - người đang dự kỳ Olympic thứ tư và lúc đó đã có trong tay một HC vàng, một HC bạc, một HC đồng Thế vận hội. Trong ngày thi đấu đồng đội môn judo, nữ võ sĩ trẻ đã có những trận thắng quan trọng, góp phần giúp Pháp giành ngôi vô địch Olympic, vượt qua chủ nhà Nhật Bản.

Giáo dục sát cánh với thể thao. Yêu thích và tập luyện, thi đấu thể thao đỉnh cao, nhưng Dicko vẫn còn một niềm yêu thích khác: toán học. Cô đang là sinh viên năm thứ hai chương trình Cử nhân Toán của Trường Khoa học, thuộc Đại học Sorbonne danh tiếng. Mục tiêu của nhà vô địch judo thế giới là sau khi lấy bằng cử nhân, sẽ học tiếp ở Trường Kỹ thuật của Đại học Sorbonne để trở thành kỹ sư hàng không, hoặc có thể sẽ chuyển sang học về khoa học chính trị.

Có nhiều nguyên nhân để Dicko có thể vừa theo đuổi thể thao đỉnh cao, vừa đảm bảo được việc học ở ngôi trường hàng đầu Pháp về khoa học. Trước tiên là bí quyết cá nhân. Với cô, học tập và thể thao bổ sung qua lại, giúp cuộc sống trở nên cân bằng hơn. "Đúng là sau những buổi tập nặng, đôi khi việc ngồi vào bàn làm bài tập cũng phải cần có nhiều động lực. Nhưng trên thực tế, khi học căng thẳng quá, tôi lại tìm đến thảm tập để giải tỏa áp lực. Và ngược lại, khi có điều gì đó chưa hài lòng về bản thân trong lúc tập luyện, tôi lại vùi đầu vào môn toán để quên đi những điều không vui", Dicko giải thích.

Một điểm vô cùng quan trọng khác chính là sự đồng hành của Đại học Sorbonne. Tại Pháp, thể thao trong các đại học chỉ dành cho người chơi nghiệp dư, VĐV chuyên nghiệp thì tập ở CLB. Nhưng nhà trường vẫn tạo điều kiện tối đa cho những sinh viên giỏi thể thao. Sinh viên của Sorbonne ngay khi vào học, trong các mục đăng ký sẽ có phần dành cho "sinh viên đang là VĐV trình độ cao". Những ai đã đánh dấu vào mục này đều sẽ được trường hỗ trợ rất nhiều để có thể vẫn học tốt và đảm bảo tập luyện tốt, dưới nhiều hình thức như sắp xếp thời khóa biểu, lịch kiểm tra, thi cử, khi cần thiết thì có thể tổ chức lớp ngoài giờ để phụ đạo...

Dicko chia sẻ trên mạng xã hội rằng cô vừa thi tốt cả 3 môn trong học kỳ gần nhất. Ảnh: Instagram / Romane Dicko

Dicko chia sẻ trên mạng xã hội rằng cô vừa thi tốt cả 3 môn trong học kỳ gần nhất. Ảnh: Instagram / Romane Dicko

Với VĐV - sinh viên như Romane Dicko, thuộc đội tuyển quốc gia của một môn thể thao, Đại học Sorbonne sẽ cho kéo dài thời gian học của từng bậc học để phù hợp với việc phải tập huấn, thi đấu dài ngày ở nước ngoài. Đặc biệt, do nhà trường có ký thỏa thuận với Viện Thể thao Quốc gia Pháp (INSEP), ở năm thứ nhất của cử nhân, các giảng viên của Đại học Sorbonne đến dạy ngay tại INSEP, rất thuận tiện cho VĐV theo học. Và mỗi năm học, thường sẽ có hai trong số tám đến chín đợt thi và kiểm tra được Dicko làm trực tuyến, vì trùng thời gian cô tập huấn hay thi đấu nước ngoài. Bên cạnh đó, những sinh viên có tiềm năng giành suất dự Olympic như Dicko còn được Đại học Sorbonne cấp khoản học bổng 3.000 euro mỗi năm theo chương trình "Hộ chiếu cho Thế Vận Hội". Tại Olympic Tokyo, có đến chín sinh viên và cựu sinh viên thuộc các khoa toán, lý, hóa, khoa học sự sống... của trường được tham dự.

Những hỗ trợ hiệu quả và thiết thực của Đại học Sorbonne từ hơn hai thập niên qua đã giúp nhiều VĐV trẻ Pháp không phải đắn đo khi theo đuổi thể thao đỉnh cao vì họ vẫn có thể tiếp tục học ngành nghề yêu thích. Và cũng nhờ thế, ngôi trường danh tiếng này không chỉ có các nhà khoa học được trao giải Nobel hay huy chương Fields, mà còn có các sinh viên vô địch Olympic như Brice Guyard, Ulrich Robeiri ở môn đánh kiếm, hay vô địch judo thế giới như Dicko...

Lan Chi

Bạn đang đọc bài viết "Khi sinh viên toán Sorbonne là nhà vô địch judo thế giới" tại chuyên mục THỂ THAO. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833