Gabriel Martinelli và giấc mơ trên lưng cha

03/12/2022 08:04

Gabriel Martinelli và giấc mơ trên lưng cha

Trên The Player's Tribune, tiền đạo tuyển Brazil Gabriel Martinelli kể về hành trình bị chối bỏ đến khi trưởng thành trong màu Arsenal và được dự World Cup 2022.

Những tuần vừa qua với tôi thật điên rồ.

Tôi không nói dối đâu, đó là cảm xúc khi nằm trong danh sách cạnh tranh để được gọi lên tuyển Brazil dự World Cup. Ai cũng biết HLV Tite sẽ chọn 26 người, nên nhẽ ra bạn cần bình tĩnh và đợi cuộc gọi đúng không?

Nhưng tôi cứ ngồi tính toán đủ kiểu tới mức đầu óc quay vòng vòng. Mọi suy nghĩ trong đầu tôi là những câu hỏi bất tận: HLV sẽ mang bao nhiêu tiền đạo? Hiện đội tuyển có những ai? Ông ấy có cần mình không? Ông ấy có chọn mình không?

Mọi thứ mệt thực sự. Tôi chắc là nên ngồi nhà với phấn và bảng đen để tính toán, đếm số cầu thủ.

Và khi Tite thực sự gọi tên, mọi cảm xúc như vỡ oà, bạn không hiểu được đâu... Tôi cảm thấy như đang sống trong một thế giới giả tưởng song song vậy. Tôi có được hôm nay nhờ rất nhiều người, nhất là cha mẹ. Nhưng tôi muốn bắt đầu bằng cách cảm ơn gia đình thứ hai của tôi – Arsenal – bởi không có đội bóng thì chắc chắn sự nghiệp tôi sẽ không được như bây giờ.

Martinelli chưa một lần đá chính cho Brazil, nhưng trong trận đấu với Cameroon ở lượt cuối bảng G World Cup 2022 tối 2/12, anh nhiều khả năng được trao cơ hội. Ảnh: AFP

Tôi tạ ơn Chúa vì đã tới Arsenal năm 2019. Tôi thực sự tin rằng mọi thứ xảy ra đều có nguyên do, và tôi rất hạnh phúc ở đây. Điều này thật buồn cười khi nhìn lại, bởi tôi rất có thể đã khoác áo một đội bóng khác. Bạn biết đấy, tôi từng tham gia một dự án tại Man Utd và thậm chí còn thử việc vài lần. Tôi đã gặp gỡ nhiều cầu thủ đội một ở đấy. Năm 17 tuổi, tôi trở về Brazil sau quãng thời gian tại Manchester và chờ cuộc gọi báo tin vui.

Một ngày nọ, cha gọi tôi vào phòng khách. Ông ấy đã trao đổi với người đại diện và Man Utd đã từ chối tôi. Không đơn thuần là một câu "Không phải năm nay" mà rất phũ phàng: Chúng tôi hoàn toàn không muốn cậu ấy.

Thú thực là khi đó tôi sững sờ. Họ đã quan sát tôi nhiều lần và tôi đã chắc như bắp rằng họ sẽ ký hợp đồng với mình.

Vài tuần sau đó, tôi có thêm cơ hội thử việc tại Barcelona. Sau 15 ngày, họ cũng nói không. Lần này dễ dàng chấp nhận hơn vì chỉ là một đợt thử việc, nhưng vẫn đau lắm. Khi ấy, tôi đã ngồi xuống và hỏi cha: "Mình phải làm gì bây giờ?"

Bạn không thể hiểu được câu chuyện của tôi mà không biết về người cha Joao của tôi. Ông ấy quan tâm tới sự nghiệp của tôi chẳng khác gì tôi cả. Từ khi tôi còn nằm nôi, ông đã quyết đem tôi đi Corinthians để ăn tập khi tôi lên sáu tuổi. Đó là một trong những đội bóng lớn nhất Brazil, và ai mà tính xa như vậy chứ? Cha từng mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng bất thành và giờ ông muốn tôi tiếp nối giấc mơ ấy. Những ông bố bình thường sẽ đọc cho con chuyện cổ tích mỗi tôi, còn cha tôi sẽ thủ thỉ "Năm lên sáu tuổi, bố con mình sẽ tới chỗ này..."

Haha, ông thậm chí còn chẳng biết liệu tôi có đủ tốt hay không. Tất cả kinh nghiệm của tôi gói gọn trong khu đất tồi tàn gần nhà ở Guarulhos, Sao Paulo. Khung thành thậm chí còn chẳng có lưới. Tôi thường hay cưỡi lên lưng cha, đi tới khu đất và hào hứng: "Cha à, hãy rê bóng thôi! Cùng chơi bóng nào!"

Và ông sẽ đáp lại: "Không, mình bắt đầu rèn cái chân trái của con nhé."

Chân trái!!! Tôi thậm chí còn chưa lên sáu! Cha nghiêm túc như vậy đấy. Ông đóng vai thủ môn, ném trái bóng và tôi sẽ sút, sút, sút và lại sút. Mười lần, một trăm lần, một ngàn lần...

Tôi luôn phàn nàn: "Thôi nào!". Nhọc cực kỳ, trong khi tôi chỉ muốn vui chơi. Tôi không phải đứa nhóc đi khắp nơi rêu rao mình sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ý nghĩ đó chỉ loé lên khi tôi xem World Cup. Khi cờ Brazil được vẽ trước nhà, cả 15 người trong nhà đều tụ tập trước màn hình TV, có bóng bay, pháo hoa, tiếng còi xe ồn ào, anh em chạy nhộn nhạo trong nhà còn chú tôi đứng nướng thịt thơm lừng... thì làm sao bạn có thể không nghĩ về nó cơ chứ? Khi xem đội tuyển chơi bóng, bạn sẽ tưởng tượng về cảnh được khoác lên màu áo vàng xanh ở World Cup.

Nhưng chủ yếu tôi chỉ muốn chơi thôi. Mẹ Elizabete nói rằng tôi là một thằng nhóc điên rồ chạy khắp nơi. Năm lên 10 hay 11 tuổi, tôi sẽ chơi bóng tại Corinthians, ở trường và cả những đội hạng dưới có người quen với cha. Có lúc tôi còn chơi tận ba trận một ngày. Cha mẹ phải hy sinh ngày nghỉ cuối tuần để đưa tôi đi khắp nơi. Họ hy sinh nhiều tới mức chẳng có thời gian dành cho riêng mình. Vậy nên nếu tôi đá dở, những chuyến đi về nhà sẽ dài tựa thế kỷ.

Martinelli chụp ảnh cùng bố mẹ, khi họ đến sân Emirates để thăm anh. Ảnh: The Sun.

Cha tôi nói rất nhiều. Ông thường bảo tôi chỉ có 10% khả năng của ông ngày xưa. Ông hay nói: "Chẳng có video hay hình ảnh minh hoạ nên con... không thể nói bố chém gió". Ông chạy rất nhiều nên tôi kế thừa khả năng đó từ ông. Phương châm của ông là: "Có những ngày con sẽ chơi rất dở, bóng đến cũng hỏng, nhưng nếu con có thể chạy thì vẫn sẽ đóng góp được cho đội". Đó thực sự là một bài học tốt, và tôi luôn lắng nghe cha mình.

Nhưng cha luôn rất khắt khe với tôi. Nếu đá ở những chỗ như Mogi Mirim, chặng đường về là hai tiếng lái xe và cha sẽ nói suốt đường đi. Ông không bao giờ chửi thề hay mắng mỏ mà luôn chọn phân tích chi tiết: "Gabriel à, pha bóng này con đáng lẽ nên làm như thế này.."

Và đương nhiên tôi biết nếu mình chơi dở chứ! Tôi đã buồn lắm rồi, đâu cần cha xoáy thêm vào.

"Bất cẩn lắm Gabriel à"

Trời ơi, kể cả tôi có giả vờ ngủ, cha vẫn sẽ thao thao bất tuyệt. Thế rồi sau một tiếng, sự im lặng tuyệt vời bắt đầu tới... cho đến khi đến lượt mẹ tôi: "Gabriel, con sút chẳng có tí lực nào cả. Con cần sút mạnh hơn".

"Ủa mẹ, con nghe nãy giờ chưa đủ sao?"

Có lúc tôi nói với cha tại sao lần nào cũng phải nói dài như vậy, ông lý giải rằng làm thế chỉ vì nghĩ cho tôi. Nhưng mọi chuyện lại tiếp diễn và tôi lại nổi khùng, haha.

Năm lên 14 tuổi, cha nhận việc mới ở Itu và tôi phải rời Corinthians. Ngày hôm ấy tôi khóc rất nhiều. Tôi chuyển sang Ituano, một đội bóng nhỏ hơn nhiều. Nhưng lúc này, tôi nhận ra rằng mình thực sự có thể theo nghiệp cầu thủ. Người đại diện đầu đời Rafael vẫn sát cánh cùng tôi tới ngày nay. Nhưng cha nói rằng tôi cần một kế hoạch B. Mẹ thậm chí còn muốn tôi học đại học, tới ngày nay vẫn vậy!

Nhưng tôi chẳng biết học gì cả... Tôi chỉ mong kế hoạch A thành công mà thôi.

Tới năm 2018, Man Utd từ chối tôi. Thật may là sau khi tôi chơi rất tốt tại Cophinha (giải trẻ Sao Paulo), các lời đề nghị bắt đầu tới. Khi Rafael nói rằng Arsenal ngỏ lời, tôi gật đầu ngay tắp lự. Tôi hỏi cha xem ông nghĩ gì và cha trả lời đơn giản: "Mình cùng tới London thôi".

Đó là lựa chọn sáng suốt nhất chúng tôi từng làm.

Khi tới London năm 2019, tôi chẳng biết thứ gì và thậm chí chẳng ngủ được. Cha mẹ và Rafael có qua thăm tôi lúc đầu, nhưng chỉ vậy thôi. Có nhiều lúc tôi phải ngủ một mình một nhà và thực sự rất khó làm quen. Khi còn bé tôi luôn ngủ với cha mẹ do cả nhà chỉ có độc một chiếc giường. Khi chuyển sang Itu, tôi bắt đầu sợ ngủ một mình. Kể cả bây giờ tôi vẫn thích có người ở nhà. Mỗi lần phải ngủ một mình, tôi lại thức cả đêm để nói chuyện điện thoại với bạn gái. Kể cả ban ngày tôi cũng không thích một mình.

Tôi cũng không thể lái xe. Bạn cần phải nói tiếng Anh để có bằng lái, nhưng khi tôi nói được trôi chảy thì Covid-19 xảy ra khiến mọi cuộc thi lấy bằng đều bị hoãn. Tôi dành hai năm để đi nhờ xe hoặc đặt Uber. Bạn biết cứu tinh của tôi là ai không? Emi Martinez, một người anh tuyệt vời. Anh ấy sống cách nhà tôi có 10 phút nên thường qua đón tôi đi tập và tới sân vận động. Thi thoảng chúng tôi còn đón cả Dani Ceballos. Emi luôn cố gắng giúp tất cả mọi người và từng mời tôi dự tiệc đón giao thừa cùng cả nhà anh ấy.

Một người đàn anh tuyệt vời khác là David Luiz. Không có những người như vậy, khởi đầu của tôi sẽ khó hơn nhiều. Những người giúp tôi nhiều còn có mẹ và bạn gái tôi. Nhưng khoảnh khắc tôi cần giúp đỡ nhất là khi gặp chấn thương đầu gối hè 2020. Khi đang tập luyện, tôi cảm thấy cơn đau đầu gối và nhận hung tin từ các bác sĩ sau đó: tôi phải nghỉ năm tháng.

Đương nhiên là tôi khóc như mưa, không thể tin được vận rủi của mình. Tôi từng bị rạn cổ chân trước đây, nhưng hẳn nửa năm không được làm điều mình thích thì thực sự quá sức tưởng tượng. Tôi thậm chí còn không tập được tạ chân. Nhưng sau một tuần, tôi tự nhủ rằng khóc lóc chẳng có ích gì, phải vượt qua thôi.

Trong quãng thời gian chấn thương, khả năng nói tiếng Anh của tôi cải thiện rất nhiều nhờ làm việc với bác sĩ trị liệu Jordan. Chúng tôi trải qua nhiều ngày cùng nhau, khi tôi phải đương đầu với những nỗi đau thể xác lẫn tinh thần. Nhưng tôi cũng học được rất nhiều về cơ thể, bản thân mình và đương nhiên là tiếng Anh nữa.

Sau một tháng, tôi bắt đầu tập được tạ chân - chiến thắng đầu tiên. Dần dần tôi có thể cử động đầu gối. Tới tháng 12, tôi tái xuất và... lại chấn thương. Ngay trong trận tái xuất, thủ thành dự bị Zack Steffen của Man City va chạm và khiến tôi phải rời sân. Đương nhiên là tôi rất lo, nhưng may mắn đó không phải chấn thương nặng. Vài tuần sau đó, tôi chuẩn bị đá chính trước Newcastle thì lại chấn thương cổ chân khi khởi động và mất thêm một tuần. Có thể nói màn tái xuất của tôi không được suôn sẻ cho lắm.

May mắn là HLV Mikel Arteta luôn đối xử tốt. Kể cả khi không được chơi nhiều mùa trước, ông ấy vẫn trấn an tôi rằng sẽ tạo cơ hội khi tôi tái xuất. Tôi luôn muốn được chơi mọi trận đấu. Kể cả khi thay người trước Forest mới đây, tôi vẫn ước có thể ghi thêm một bàn. Nhưng tôi hiểu rằng đội bóng có rất nhiều trận cần thi đấu.

Tôi rất hạnh phúc khi đã nắm lấy cơ hội khi được trao. Tôi yêu đội bóng này. Cả tập thể giống một đại gia đình, với sự tôn trọng lớn dành cho nhau. Chỉ cần xem Arsenal tập luyện, bạn sẽ hiểu vì sao chúng tôi chơi tốt: không ai muốn thua dù chỉ trong một trò chơi ban bật đơn giản. Arsenal chưa đánh rơi điểm nào ở sân Emirates mùa này bởi không khí trên khán đài tuyệt hơn bao giờ hết, khiến đối thủ luôn thấy áp lực.

Tôi cam đoan với bạn rằng khi bạn đang đuổi bóng với đôi chân mỏi nhừ và muốn bỏ cuộc, bạn vẫn sẽ chạm được vào bóng với 60.000 khán giả cổ vũ cho bạn. Sức mạnh tinh thần ấy thật tuyệt vời. Bạn còn nhớ khi Saliba phản lưới nhà trước Leicester hồi tháng Tám không? Nhẽ ra sẽ có những cổ động viên la ó nhưng không, họ chọn cách cổ vũ, hò hét động viên: "Chúng tôi sẽ luôn sát cánh bên cậu".

Chỉ hai phút sau, chúng tôi ghi bàn. Đó chính là Arsenal: chúng tôi sẽ cố gắng thắng mọi trận đấu, bởi đó là mục tiêu của cả đội. Arsenal không phải là đội bóng chỉ hướng tới một điểm hay vị trí thứ tư. Chúng tôi mơ về những danh hiệu, chiếc Cup Premier League và Champions League, bởi đó là thứ người hâm mộ xứng đáng được nhận.

Sau 14 trận ở Ngoại hạng Anh mùa này, Martinelli đã ghi năm bàn và hai kiến tạo, góp công lớn giúp Arsenal liên tục đứng đầu giải.

Đương nhiên tôi cũng không quên giấc mơ World Cup. Khi lần đầu được Tite gọi lên tuyển vào tháng 3, tôi còn chẳng biết nói gì. HLV gửi cho tôi một tin nhắn và tôi đọc đi đọc lại tin trả lời tới 20 lần vì sợ sẽ nói gì không đúng.

Trận ra mắt của tôi là tại thánh địa Maracana. Tôi vẫn nhớ cảm giác khi bước vào phòng thay đồ và thấy chiếc áo vàng in tên Martinelli. Tôi chụp lại nó và gửi cho cha mẹ. Cha nhắn lại: "Cừ lắm con trai!".

Nhưng tôi biết rằng ông ấy xúc động hơn những gì thể hiện nhiều. Khi hai cha con nói chuyện, ông suýt chút nữa đã khóc. Vậy nên khi được gọi tham dự World Cup, cảm giác kỳ diệu ấy lại trào dâng. Lần này khi cả nhà tụ họp xem World Cup, tôi sẽ ở trên màn hình TV. Chúng tôi sẽ mang về chiếc Cup thứ sáu, cầu Chúa ban phước lành...

Hai cha con tôi giờ nói chuyện thoải mái hơn nhiều. Ông vẫn hay thích nói về quá khứ. Tôi đã ghi năm bàn mùa này, hai bằng chân trái. Cứ sau mỗi bàn thắng, ông sẽ gọi điện và nói: "Con có nhớ khi hai cha con tập ở sân hồi bé, con bị bắt phải sút chân trái và phàn nàn suốt không? Giờ thấy hiệu quả chưa?"

Tôi còn biết nói gì nữa đây. Cha luôn đúng mà.

Thịnh Joey (theo The Player's Tribune)

Bạn đang đọc bài viết "Gabriel Martinelli và giấc mơ trên lưng cha" tại chuyên mục THỂ THAO. Mọi thông tin chia sẻ, phản hồi xin gửi về hòm thư (kinhtethitruong.info@gmail.com) hoặc số Hotline 0833558833